Thách thức từ RCEP
Bà có thể cho biết rõ hơn những thách thức mà RCEP mang tới, đặc biệt liên quan đến cải cách thế chế?
Thách thức từ nhập siêu là rất lớn |
RCEP là một hiệp định mới được ký kết ngày 15/11/2020. Có ý kiến cho rằng, đây là hiệp định cơ hội thì lớn nhưng thách thức mang lại còn lớn hơn. Những lo ngại về thách thức do RCEP mang lại tập trung ở 2 yếu tố. Thứ nhất, những đối tác lớn của RCEP đều là đối tác Việt Nam đang nhập siêu rất lớn và có cơ cấu nền kinh tế khá tương đồng, cạnh tranh nên thách thức từ nhập siêu có thể rất lớn trong tương lai. Thứ hai, mặc dù RCEP là một hiệp định thương mại thế hệ mới nhưng những yêu cầu và tiêu chuẩn trong hiệp định này lại thấp hơn những hiệp định mà chúng ta vừa mới thực hiện gần đây như CPTPP và EVFTA. Chính vì vậy, có những lo ngại cho rằng, những tiêu chuẩn thấp ở trong RCEP có thể khiến Việt Nam mất đi động lực để cải cách về thể chế.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) |
Ngoài ra, những yêu cầu không quá cao từ các đối tác của RCEP có thể làm cho doanh nghiệp đôi khi mất đi động lực và mối quan tâm cần thiết trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới. Nếu doanh nghiệp chỉ cần “dễ dãi”, tự bằng lòng với những tiêu chuẩn không quá khắt khe trong RCEP thì tất cả những thách thức này đặt ra không chỉ đối với nền kinh tế, thể chế mà cả doanh nghiệp.
Từ những thách thức trên, theo bà, Chính phủ cùng các doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào?
Nếu xét từ cam kết thì các yêu cầu là thấp hơn, nhưng xét về nhu cầu thì chúng ta cần đáp ứng cao hơn, vượt lên trên các cam kết chứ không chỉ dừng lại ở các yêu cầu như trong cam kết. RCEP thúc ép Việt Nam phải có những thay đổi. Đối với cơ quan nhà nước, câu chuyện làm thế nào để cân bằng được các hoạt động thương mại cũng như thu hút đầu tư có chất lượng từ RCEP, từ đó có thể tận dụng hiệu quả không chỉ RCEP mà cả các hiệp định thương mại khác là điều bắt buộc phải làm.
Các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành phải làm nhanh hơn, mạnh hơn như: Tái cơ cấu kinh tế, xây dựng một chính sách công nghiệp rõ ràng, với xác định cụ thể những ngành công nghiệp ưu tiên cũng như biện pháp cần thiết thúc đẩy các chính sách công nghiệp. Từ đó, xác định những ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ phải thực hiện như thế nào.
Bên cạnh đó, cũng cần cải cách môi trường kinh doanh để làm sao giải phóng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp một cách có hiệu quả, thực chất nhất. Bởi những cạnh tranh từ đối tác RCEP sẽ mạnh hơn nhiều không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả thị trường nước ngoài nữa. Chẳng hạn, với Nhật Bản, trước đây khi chưa có RCEP, Việt Nam không phải cạnh tranh quá lớn với Trung Quốc bởi chúng ta có ưu thế của những hiệp định đã có với Nhật Bản, nhưng một khi RCEP có hiệu lực, Trung Quốc sẽ có những lợi thế. Với sức ép cạnh tranh, câu chuyện cải cách kinh tế ở trong nước để giải phóng năng lực sáng tạo và cạnh tranh của doanh nghiệp cần được thúc đẩy mạnh hơn.
Ngoài ra cũng cần kiểm soát tốt dòng vốn đầu tư nước ngoài để thu hút được dòng vốn đầu tư tốt và chuỗi sản xuất đang chuyển dịch dưới tác động của căng thẳng thương mại hay dịch Covid-19. Còn về phía doanh nghiệp, sức ép cạnh tranh từ RCEP sẽ thúc ép phải thay đổi nhanh hơn và đầy đủ hơn chứ không phải với một tầm nhìn ngắn hạn như trước đó.
Xin cảm ơn bà!