Tây Âu và Bắc Mỹ “quay xe” muốn đầu tư sản xuất chip, năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Cú “quay xe” ngược dòng
Nếu như trước đây, các nhà đầu tư phương Tây chỉ mong muốn rót vốn vào Trung Quốc như “gà đẻ trứng vàng”, thì nay, tình thế đã hoàn toàn đổi khác.
Giới tư bản phương Tây, dưới áp lực của thương chiến Mỹ - Trung, đã buộc phải suy nghĩ lại về định hướng mở rộng sản xuất tại Trung Quốc và xu hướng chuyển dịch FDI tất yếu sang những nền kinh tế an toàn hơn. Và Việt Nam đã thành sự lựa chọn tốt nhất tại thời điểm này.
Dòng vốn từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc ...dịch chuyển đến Việt Nam |
Theo đó, dòng vốn đầu tư đang có sự dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo. Cùng với đó cũng có sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến từ khu vực Bắc Mỹ.
Lý giải về nguyên này, ông Đỗ Văn Sử - phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong một hội thảo về bất động sản mới đây đã bày tỏ: Trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Tuy nhiên, thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó cũng có sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam. "Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip", đại diện Cục Đầu tư Nước ngoài thông tin.
Nguyên nhân bởi trong 2 năm vừa qua, kể từ khi Chính phủViệt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo. Đi kèm với các tập đoàn này, là hàng loạt doanh nghiệp cung ứng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Tính hấp dẫn đến từ lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng góp phần không nhỏ vào sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài, khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tiếp là Hàn Quốc, sau đó là nhà đầu tư châu Âu.
Trước thông tin trên, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C nhìn nhận sẽ có làn sóng đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
"Trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ thiếu điện sản xuất khi càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp tìm đến Việt Nam. Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng ngay từ hôm nay. Bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường và Việt Nam có dư địa rất lớn để thực hiện điều đó", ông Bruno nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KCN TP. Hồ Chí Minh (HBA) chia sẻ, vấn đề hiện tại được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào KCN ở TP.HCM đặc biệt là lĩnh vực về năng lượng tái tạo.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhà đầu tư quốc tế
Các chuyên gia kinh tế lưu ý, vốn ngoại vào Việt Nam đang có khuynh hướng tập trung vào các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao như công nghiệp phần mềm, điện tử tin học, dược phẩm, cơ khí chính xác thay vì chỉ gia công, lắp ráp như ban đầu.
Như đã thấy, gần đây nổi lên lĩnh vực bán dẫn với các nhà đầu tư lớn Intel, Samsung…Lợi thế về trữ lượng đất hiếm, nguồn nhân lực tiềm năng, chiến lược đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn giúp Việt Nam, ngày càng trở thành trung tâm, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Những con số thống kê của 8 tháng năm 2023 cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 18,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước cho thấy việc thu hút dòng vốn FDI đã khởi sắc trở lại, kỳ vọng bứt phá trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, tăng trở lại cũng là thách thức khi dòng đầu tư luôn có sự thay đổi, phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh như thế nào để sự tăng trưởng này là bền vững
Đặc biệt trong bối cảnh việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc.
Chia sẻ về triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam, bà Dorsati Madani - chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Trong suốt thời gian dài vừa qua, Việt Nam được công nhận là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Mặc dù có nhiều lợi thế trong việc thu hút làn sóng FDI, tuy nhiên phía doanh nghiệp nước ngoài vẫn cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Bởi không chỉ có Việt Nam mà Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan… cũng là những quốc gia có nhiều điểm mạnh trong việc đón đầu các dòng vốn dịch chuyển.
Ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial gợi mở giải pháp, để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam có 3 yếu tố cần lưu ý cải thiện.
Một là vấn đề cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần có thêm các tuyến đường cao tốc. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn thấy sự cam kết về thời gian hoàn thành đúng hạn từ phía Chính phủ. Bởi khi các dự án hạ tầng trọng điểm được đảm bảo tiến độ sẽ tạo ra hiệu ứng tốt hơn.
Hai là sự đảm bảo về việc cung cấp năng lượng.
Ba là vấn đề về giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư này đến thì Việt Nam phải đảm bảo nguồn lực có trình độ cao tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu khai thác của các doanh nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh giáo dục và đào tạo để tăng chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thêm chương trình tín dụng để khuyến khích nhà đầu tư hơn. Khi một quốc gia có chương trình, cơ chế tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh thì chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, đã có 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt quốc gia Đông Nam Á này thậm chí còn lọt top 30 quốc gia thu hút vốn nước ngoài nhiều nhất thế giới, vượt cả Hàn Quốc, Đan Mạch, Chile… trong bảng xếp hạng thu hút vốn FDI trên toàn cầu năm 2022. Thống kê chung cho thấy, số lượng, vốn đầu tư, làn sóng đầu tư từ một số quốc gia lớn như Mỹ, châu Âu và tại khu vực châu Á như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, củng cố chắc chắn những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam. |