Tăng trưởng vẫn nóng
Thống kê cho thấy, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... vẫn là khu vực có sức hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng, trong đó có điện sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, nắng nóng khô hạn kéo dài khiến nhu cầu điện có thể tăng đột biến. Tuy nhiên, hệ thống nguồn điện ở phía Nam đang mất cân đối, do đó phải nhận điện từ phía Bắc qua hệ thống truyền tải 500kV.
Sửa chữa, bảo trì lưới điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục |
Thực tế cho thấy, qua 3 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đạt khoảng 16 tỷ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, EVNSPC dự báo công suất sử dụng lớn nhất đạt khoảng 11.550 MW, tăng 11% so với năm 2018. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao cũng làm sản lượng điện tăng, có thời điểm lên tới trên 81,3 triệu kWh/ngày. Dự báo của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), năm 2019, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 26,8 tỷ kWh, tăng khoảng 6,41%; công suất cực đại ước đạt 4.408 MW, tăng 6,57% so với năm 2018.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện
Để đảm bảo cấp đủ điện cho các tỉnh, thành phố miền Nam, những năm qua, nhất là giai đoạn 2016-2018, mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng nhưng EVN đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tăng cường củng cố cũng như xây dựng các dự án nguồn và lưới điện.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2018, EVN đã đưa vào vận hành 4.575 MW nguồn điện, hoàn thành 149 công trình lưới điện 500/220 kV và 634 công trình lưới điện 110 kV. Trong đó, phải kể đến những công trình cấp điện cho miền Nam như Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, đường dây truyền tải 500 kV mạch 3.
Trong năm 2019, về nguồn điện, EVN phấn đấu hoàn thành và đưa vào vận hành 5 tổ máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW), Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW); Thủy điện Đa Nhim mở rộng (giai đoạn 2 - 80 MW), Thủy điện Thượng Kon Tum (2x110 MW); khởi công một số dự án điện mặt trời. Về lưới điện sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành 232 công trình lưới điện 500/220/110 kV; khởi công 231 công trình lưới điện 500/220/110 kV.
Bên cạnh đó, EVN cũng chỉ đạo EVNSPC, EVNHCMC tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm, công trình lưới điện phân phối đảm bảo cung cấp điện cho toàn bộ miền Nam, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các địa bàn có nhu cầu phụ tải cao.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu các đơn vị nâng cao hơn nữa năng lực quản trị trong giai đoạn thực hiện đầu tư, có biện pháp kiên quyết đối với nhà thầu thi công chậm tiến độ. Cần chủ động làm việc với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN: Các đơn vị thuộc EVN cần có giải pháp quyết liệt, bứt phá để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có khu vực miền Nam. |