Tạo thuận lợi lưu thông, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử
Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông để tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc sản các địa phương, từng bước hướng tới xuất khẩu thông qua thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.
Tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp |
Quyết định 1545 nêu rõ, uu tiên hiển thị nhu yếu phẩm, các sản phẩm phòng dịch, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương trên các sàn TMĐT. Chỉ đạo, hướng dẫn các sàn TMĐT, website bán hàng ưu tiên hiển thị nhu yếu phẩm, các sản phẩm phòng dịch để người dân dễ dàng tiếp cận mua sắm trên sàn
Đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, ưu tiên hiển thị hình ảnh, thông tin, gian hàng tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử và trên “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”; hỗ trợ đẩy mạnh lưu thông các mặt hàng nông sản, đặc sản tại địa phương.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại địa phương phân phối nông sản, thực phẩm địa phương trên các sàn TMĐT. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm, tại các địa phương qua TMĐT như: Tổ chức các chương trình, sự kiện đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên sân thương mại điện tử nói chung, tổ chức tập huấn, đào tạo hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương phân phối hàng hóa, sản phẩm địa phương thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử.
Đáng chú ý, cần có những chính sách, giải pháp đồng bộ tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT thuận lợi, cụ thể: hỗ trợ tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển, thanh toán trực tuyến.
Tăng cường hợp tác, ký kết hợp tác với Sở Công Thương các tỉnh, thành địa phương để tổ chức Chương trình hỗ trợ phân phối hàng hóa qua TMĐT, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao kỹ năng quảng bá, bán hàng nông sản và thực phẩm cho các hợp tác xã, nhà vườn, hộ nông dân trên nền tảng số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác kinh doanh hiệu quả nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương trên các sàn TMĐT và “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”.
Riêng với công tác truyền thông, Quyết định 1545 nhấn mạnh tập trung truyền thông, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương trên các phương tiện truyền thông đa kênh.
Tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và các đơn vị liên quan như Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ ... để đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ trên TMĐT và môi trường số.
Quảng bá và xúc tiến tiêu thụ trên các kênh TMĐT có uy tín thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” để tăng cường sự nhận biết của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử và trên các hệ thống phân phối truyền thống.
Trên cơ sở đó, định hướng tiêu dùng trên phạm vi cả nước, ngoài các kênh truyền thống như chợ, siêu thị ... thì kênh TMĐT sẽ trở thành một kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm đảm bảo chất lượng được kiểm soát chặt chẽ. Đây được coi là một biện pháp bổ sung nguồn cung và điều tiết giá cả hàng hoá thiết yếu trong trường hợp thiếu hụt cục bộ ở các địa phương thông qua TMĐT trong bối cảnh dịch bệnh giãn cách xã hội hoặc hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Ngoài ra cần phối hợp với Vụ Thị trường trong nước hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến, kết nối với các chương trình Bộ đang triển khai như nông sản thực phẩm an toàn, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ...
Quyết định cũng đề cập tới công tác tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và phối hợp xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT để góp phần đảm bảo thị trường hàng hóa trong nước hoạt động ổn định, đúng quy định: Tham gia Tổ công tác về TMĐT (Tổ 399 do BCĐ 389 Quốc gia thành lập và Tổ 368 do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) thực hiện tăng cường thanh kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Kiểm tra, rà soát các sàn TMĐT, các website TMĐT bán hàng (đặc biệt các sàn TMĐT, các website công ty dược phẩm, thiết bị y tế...) về việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển hoặc người bán có tỷ lệ hủy đơn hàng cao (đặc biệt là đơn hàng liên quan tới sản phẩm phòng dịch). Thông báo công khai để người bán, người mua (thành viên) được biết về các biện pháp xử lý và chế tài cụ thể đối với thành viên vi phạm, không để lợi dụng dịch bệnh để tăng giá gây mất ổn định thị trường.
Quyết định 1545 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ quán triệt, triển khai kế hoạch để tổ chức thực hiện; thường xuyên chia sẻ thông tin về giải pháp, sáng kiến hàng tháng. Báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện về đầu mối của Bộ là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục trưởng tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương. Trong quá trình triển khai thực hiện , nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để kịp thời tháo gỡ, xử lý. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)