![]() |
Tiềm năng lớn
Thông tin tại hội thảo, ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho hay: Hiện cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề đã được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 53 nhóm nghề, phố nghề truyền thống. Nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm tuổi như: Tơ tằm Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, thêu Quất Động, thổ cẩm Mai Châu, dừa Bến Tre…
Thực tế, đi từ Bắc vào Nam nơi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp các làng nghề truyền thống. Đời sống của người dân ở nơi có làng nghề thường cao hơn 3-5 lần so với làng thuần nông. Đặc biệt, sau khi Việt Nam ra nhập WTO, làng nghề Việt Nam dường như có thêm sức sống mới, phong phú hơn, được chú ý về cơ sở hạ tầng, công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tại các làng nghề ra đời nhiều công ty mới, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - với hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng như vậy, du lịch làng nghề đang là một tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Đa số du khách quốc tế khi đến Việt Nam đều muốn mang theo về một món đồ thủ công mỹ nghệ, bởi những sản phẩm này luôn chứa đựng những gì tinh tế nhất của một nền văn hóa.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, từ khoảng cuối năm 2008 đến nay, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, các làng nghề Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, phát triển manh mún, chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có. Nguyên nhân là do hầu hết các làng nghề đều phát triển thiếu quy hoạch. Cở sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, tham quan và lưu trú của khách du lịch. Hơn thế, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề hiện nay khá trầm trọng. Nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Không khí cũng bị ô nhiễm bởi bụi, mùi hóa chất... khiến khách du lịch rất khó chịu khi đến. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu làng nghề cũng chưa thực sự có hiệu quả, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch làng nghề rất lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác.
![]() |
Mỗi làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc của làng để tạo điểm nhấn thu hút du khách |
Phát triển bằng cách nào?
Trước thực tế đó, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành một số văn bản hỗ trợ sản xuất nhằm khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thị trường trong nước và ngoài nước, phát triển làng nghề gắn với du lịch và chương trình xây dựng nông thôn mới như: Quyết định 132/2010 về chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống… Nhờ đó, du lịch làng nghề ngày càng có nhiều đóng góp tích cực qua đối sách tỷ trọng giữa các loại hình du lịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì sự phát triển của du lịch làng nghề vẫn chưa tương xứng.
Để khai thác phát triển du lịch bền vững, đảm bảo hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái, theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, mỗi làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc của làng để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành...
Đặc biệt, phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường ở các làng nghề. Xây dựng các quy định về môi trường ở các làng nghề truyền thống trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch…
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc làm cần thiết nhất là Việt Nam khẩn trương quy hoạch lại các làng nghề hiện có trở thành điểm tham quan du lịch. Trong đó, việc kết nối và quy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành và cộng đồng làng nghề đóng vai trò hết sức quan trọng để thiết lập các tour tham quan làng nghề. Hoạt động du lịch làng nghề cần được gắn với các cảnh quan sinh thái, hệ thống di tích lịch sử văn hóa, các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống…