Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, để đưa ngành đường sắt sớm thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém; phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ, bền vững, an toàn, bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… thì dự thảo luật cần quy định rõ, đầy đủ các chính sách mang tính chất đột phá, nhất là về đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nếu xác định ngành đường sắt trong 5, 10 năm tới trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo thì biểu đồ đầu tư phải thay đổi lại ngay từ trung hạn của giai đoạn này chứ không phải đợi 5 năm nữa |
Cần quy định rõ những chính sách đặc thù
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thời gian qua, chúng ta mới chỉ tập trung đầu tư cho đường bộ trong khi ngành đường sắt còn yếu kém. Do đó, dự thảo luật cần tính tới sự cân đối trong đầu tư, tạo sự hài hòa, kết nối đầy đủ, toàn diện cả 4 hệ thống đường giao thông.
Về những nội dung quy định chính sách phát triển đường sắt, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến thẳng thắn cho rằng, dự thảo luật quy định định còn rất chung chung khi sử dụng nhiều từ "tập trung, khuyến khích, ưu tiên".
“Những cụm từ được xuất hiện trong nhiều văn bản, mang tính chung chung trong khi đó mong muốn có những chính sách mang tính đột phá, khắc phục được tình trạng yếu kém của ngành đường sắt so với các loại hình vận tải trong nước và khu vực” - ông Chiến nói và cho rằng, cần bổ sung để làm rõ hơn những chính sách đột phá để phát triển ngành đường sắt.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần phải xác định rõ chiến lược phát triển ngành đường sắt ngay trong luật, đồng thời, phải mở ra những chính sách để thu hút đầu tư phát triển cho ngành đường sắt, đặc biệt là các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt phải đảm bảo tính khả thi trong thực tế, nhất là các quy định về thuế hay nguồn ưu đãi trong dài hạn.
Tán thành quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Luật phải giải quyết được những bất cập, hạn chế của ngành đường sắt, tạo ra bước đột phá mới về mặt chính sách để đưa đường sắt trở thành định hướng phát triển chủ lực, khai thác được lợi thế đặc điểm của Việt Nam, đất nước trải dài từ Bắc vào Nam và ngành đường sắt trong 5, 10 năm tới dần trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo. "Nếu xác định như thế thì biểu đồ đầu tư phải thay đổi lại ngay từ trung hạn của giai đoạn này chứ không phải đợi 5 năm nữa" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng tình với việc cần cố chính sách đặc thù trong phát triển ngành đường sắt, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, gần đây các luật Chính phủ trình Quốc hội xem xét đều có các chính sách ưu đãi vì lý do có tính chất đặc thù cần có hỗ trợ, điều này đòi hỏi nguồn ngân sách nhà nước đầu tư rất lớn và tư tưởng bao cấp lại bắt đầu quay trở lại. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát lại các quy định về chính sách ưu đãi, tránh xung đột với các luật khác, như: Luật Đầu tư, Luật Ngân hàng…
Quy định rõ trách nhiệm của địa phương
Tại phiên họp, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết, hiện có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh, trong đó 1.511 đường ngang hợp pháp. Về 4.211 lối đi dân sinh, theo quy định Luật Đường sắt, đây là đường ngang trái phép, không được cấp có thẩm quyền cấp và hầu hết không có cảnh báo.
Trước thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong luật phải có các quy định gắn trách nhiệm bảo vệ đường sắt không chỉ với riêng ngành giao thông, ngành đường sắt mà phải gắn trách nhiệm của các địa phương có đường sắt đi qua...
“Nơi nào để mở đường dân sinh trái phép, để xảy ra tai nạn thì phải xem xét trách nhiệm. Luật phải nghiêm, nơi nào chính quyền mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật chủ tịch xã, chủ tịch huyện. Còn thực sự phải mở thì Nhà nước đầu tư” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Làm rõ hơn vấn đề này trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, Bộ chủ quản cần thống kê trong 5 năm qua đã xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn tại các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai, đã xử lý được những tổ chức, cá nhân nào... từ đó rà soát lại các quy định trong luật. “Quy định Chính phủ quy định trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp về đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn giao thông đường sắt là rất chung chung” - bà Nga đánh giá.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, cần xác định phần nào dân lấn và không lấn đường sắt để đảm bảo quyền lợi của người dân. Dứt khoát đường mới không được lấn dân, phải để dân đi.