Số ca nhiễm mới biến thể Omicron tăng vọt đã làm gián đoạn các ngành dịch vụ hướng tới người tiêu dùng tại khu vực Eurozone khi các ngành này phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và các quy định giãn cách xã hội.
Theo kết quả cuộc khảo sát hằng tháng do Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh) công bố ngày 24/1, tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua do tác động của biến thể Omicron lên một số lĩnh vực kinh tế.
IHS Markit cho biết, nguyên nhân chính là do ngành dịch vụ bị ảnh hưởng và các nhà sản xuất đang trong giai đoạn chững lại vì khó khăn về nguồn cung. Số ca nhiễm mới biến thể Omicron tăng vọt đã làm gián đoạn các ngành dịch vụ hướng tới người tiêu dùng khi các ngành này phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và các quy định giãn cách xã hội.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - một chỉ số về xu hướng kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống còn 52,4 điểm trong tháng 1 sau khi đạt 53,3 điểm vào tháng 12/2021 và chạm mốc cao là 59 điểm vào tháng 8/2021. Tuy nhiên, những con số trên vẫn đang trên ngưỡng trung tính 50 điểm, báo hiệu nền kinh tế vẫn trong xu hướng tăng trưởng.
Ông Chris Williamson - Nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit - cho biết, du lịch và giải trí là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, ông cho rằng những tác động đến các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế tương đối “yên ắng” và ảnh hưởng tổng thể của biến thể Omicron đối với nền kinh tế đến nay “có vẻ ít nghiêm trọng hơn” các đợt bùng phát trước đây.
Mặc dù vây, mức độ tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế thuộc Eurozon trên thực tế là khác nhau. Đức - nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã ghi nhận sự hồi phục trong tháng 1 nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất công nghiệp và sự khởi sắc trở lại của ngành dịch vụ.
Ngược lại, tăng trưởng kinh tế của Pháp đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 khi lĩnh vực công nghiệp gần như trì trệ và ngành dịch vụ trở nên ảm đạm do tác động của biến thể Omicron.
Ông Rory Fennessy - Nhà kinh tế học tại Oxford Economics, đánh giá sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất đã “đảm bảo rằng khu vực này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng."
Ông kỳ vọng, biến thể Omicron sẽ không làm thay đổi đáng kể triển vọng tăng trưởng chung của Eurozone trong năm 2022 mặc dù có những tác động tiêu cực lên ngành dịch vụ ngay từ giai đoạn đầu năm.
Trong năm 2022, khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng phải đối mặt với tình trạng lạm phát kéo dài. Tuần trước, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Paschal Donohoe dự báo, tình trạng lạm phát cao sẽ kéo dài hơn dự kiến ban đầu nhưng sẽ giảm dần theo giời gian.
Theo Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát ở Eurozone đã lên tới 5% vào tháng 12/2021, mức lạm phát cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê dữ liệu vào năm 1997 và phá vỡ mức kỷ lục 4,9% được thiết lập trong tháng 11/2021.
Chủ tịch Donohoe cho biết tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính của Eurozone đã thảo luận về vấn đề lạm phát và thừa nhận rằng, tỷ lệ lạm phát cao sẽ kéo dài lâu hơn so với các tính toán trước đây.
Tuy nhiên, các bộ trưởng nhìn chung đều tin tưởng rằng áp lực lạm phát sẽ giảm dần trong năm nay, trong bối cảnh chuỗi cung ứng ở một số khu vực tiếp tục được cải thiện và mức tiết kiệm cao, vốn gây ra áp lực giá cả trong năm 2021, sẽ giảm xuống trong năm 2022.
Theo ông Donohoe, kinh tế vẫn đang phục hồi mạnh mẽ dù còn nhiều rủi ro và thách thức. Việc Liên minh châu Âu đưa ra các phản ứng chính sách phù hợp, đầy đủ và có sự điều chỉnh tốt đã góp phần giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế.
Bên cạnh vấn đề lạm phát, các Bộ trưởng Tài chính trong nhóm Eurogroup cũng thảo luận về nguy cơ dễ bị tổn thương của doanh nghiệp, những phát triển về cấu trúc sau đại dịch Covid-19, dự thảo khuyến nghị về chính sách kinh tế của khu vực Eurozone trong năm 2022 và vấn đề tăng cường liên minh ngân hàng.