Tính đến nay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực được 4 năm (từ năm 2015) nhưng sự xuất hiện của những mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn hạn chế.
Nhiều mặt hàng trái cây Việt Nam như xoài, thanh long rất được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng |
Theo thống kê, năm 2018 Hàn Quốc nhập khẩu 35,2 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản, trong đó, nhập khẩu rau quả và trái cây là 8,44 tỷ USD, thủy sản 5,045 tỷ USD, lâm sản 3,825 tỷ USD. Tuy nhiên, tại thị trường này, nhóm hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam mới chỉ chiếm gần 6% thị phần, với kim ngạch năm 2018 là 2,145 tỷ USD. Riêng trong 6 tháng/2019 đạt khoảng 760 triệu USD. Dự kiến cả năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam vào Hàn Quốc cũng chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD như năm ngoái.
Ông Hong Sun - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết dù Việt Nam có tiềm năng, nhưng để gia tăng xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản, thì còn nhiều việc phải làm. Từ phía Chính phủ Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản tới các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Một trong những kênh kết nối hiệu quả đó là hợp tác giữa các DN nông sản của Hàn Quốc và Việt Nam với sự hỗ trợ bằng nhiều chính sách ưu đãi, khai thác các lợi thế mang lại từ VKFTA trong xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản, thủy sản.
Cũng với mục tiêu tăng lượng hàng nông lâm thủy sản Việt xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, Tổng giám đốc CJ Freshway Việt Nam - Son Sung Hoon cho hay, DN Việt Nam phải đảm bảo có nguồn cung nguyên liệu ổn định từ trang trại nuôi trồng. Các nước nhập khẩu như Hàn Quốc thường có quy định, tiêu chuẩn riêng đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu, chỉ cần hàng nguyên liệu thô của Việt Nam có vấn đề về chất lượng thì dù có sản xuất ra thành phẩm nào cũng không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Hàn Quốc.
Cụ thể, các DN Việt Nam cần nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS (Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) của thị trường Hàn Quốc. Lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - DN - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng và sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm, lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu nông sản… Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện ra những điểm yếu trong quá trình sản xuất. Các DN xuất khẩu cũng cần hợp tác chặt chẽ với các nông trại trong việc kiểm soát quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu - ông Hong Sun nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng chú ý kênh phân phối sản phẩm nông sản của Hàn Quốc đi từ các trang trại qua trung tâm sơ chế, đi vào chợ nông sản, siêu thị bán lẻ và rồi đến người tiêu dùng. Đối với hệ thống này, các DN Việt Nam cần lưu ý kênh siêu thị (gồm đại siêu thị, chuỗi siêu thị, siêu thị vừa và nhỏ) chiếm tỉ trọng lớn nhất với tổng cộng 67%, còn lại chợ truyền thống và nơi khác lần lượt 27% và 6%.
Ngoài ra, cần có một cơ chế thông tin thường xuyên giữa DN hai nước để chia sẻ thông tin thị trường, vùng nguyên liệu, tăng cường hợp tác, giao thương, đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề như thiếu thông tin về thị trường, sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam xem xét thành lập Hiệp hội DN Việt - Hàn. Hiệp hội này sẽ góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn các ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước và tạo điều kiện thúc đẩy thương mại song phương Việt - Hàn phát triển.