Tăng cường vai trò của người dân trong công tác bảo vệ đường biên giới Việt Nam - Lào
10 tỉnh biên giới của nước bạn Lào đã có mối quan hệ rất gắn bó, chặt chẽ
Biên giới giữa Việt Nam và Lào dài hơn 2.337 km đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới Lào. Chính vì vậy, công tác quản lý biên giới trong thời gian vừa qua không chỉ có sự đóng góp rất quan trọng của các lực lượng chức năng mà có sự đóng góp không nhỏ của người dân Việt Nam và Lào giáp biên.
Thông qua các hoạt động sản xuất, lao động hàng ngày, người dân nói chung cũng như trưởng bản nói riêng nắm bắt được tình hình biên giới, những tác động đối với đường biên, mốc giới, cũng như các hoạt động vi phạm đường biên, mốc giới, xâm canh, xâm cư, các loại tội phạm biên giới. Qua đó họ nắm bắt, thông tin cho các lực lượng chức năng để từ đó có thể quản lý đường biên, mốc giới tốt hơn cũng như ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm ở trên đường biên giới.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đây là đường biên giới chung giữa Việt Nam và Lào, chính vì vậy cần có sự phối hợp chung giữa người dân, cư dân giữa hai biên giới Việt Nam và Lào.
Biên giới giữa Việt Nam và Lào dài hơn 2.337 km đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới Lào |
Trong thời gian vừa qua, có thể nói chúng ta hết sức chủ động, các thôn, bản của 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 10 tỉnh biên giới của nước bạn Lào đã có mối quan hệ rất gắn bó, chặt chẽ. Có hơn 100 cụm bản xây dựng mối quan hệ gắn kết, hệ hữu nghị giữa các cụm bản với nhau, kết nghĩa với nhau và từ đó không chỉ củng cố sự đoàn kết, hữu nghị, giao lưu giữa cư dân hai bên đường biên giới mà còn qua đó có sự gắn kết chặt chẽ hơn để cùng nhau quản lý đường biên, mốc giới và duy trì trật tự trị an ở trên đường biên giới giữa Việt Nam - Lào. Vai trò của người dân giữa hai bên biên giới giữa Việt Nam và Lào hết sức quan trọng trong công tác quản lý biên giới.
Thông tin tại Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho các trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào mới đây do đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đồng chí Saleumxay Kommasith, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đồng chủ trì, Phó Thủ tướng hai nước đánh giá, trong nhiều năm qua, bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các bản làng biên giới đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ đường biên cột mốc, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương, góp phần bảo đảm an ninh khu vực biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Hai đồng chí Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các điều ước, thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là nội dung của 2 văn kiện pháp lý về biên giới bao gồm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Lào có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, quyết định đến hiệu quả của công tác biên giới giữa hai nước.
Đồng thời, hai đồng chí Lãnh đạo bày tỏ tin tưởng rằng khi trở về địa phương, các Trưởng bản tiêu biểu của hai nước sẽ lan toả nội dung, tinh thần của Hội nghị và tiếp tục phát huy vai trò là hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tại các xã, bản biên giới thực hiện tốt chủ trương, chính sách của hai Đảng, các quy định pháp luật của hai nước, đặc biệt là vấn đề tôn trọng và bảo vệ đường biên, cột mốc; vấn đề qua lại biên giới, kết hôn giữa người dân khu vực biên giới hai bên; và các vấn đề khác như xâm canh, xâm cư, di cư tự do qua biên giới...
Song song với đó, các Trưởng bản của hai nước sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, nhân rộng mô hình kết nghĩa bản - bản, cùng nhau xây dựng khu vực biên giới hai bên trở thành thôn bản văn hoá tiêu biểu, những điểm sáng nơi biên cương tổ quốc. Từ đó, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân khu vực biên giới hai bên; đồng thời vun đắp cho mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp của hai nước.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho các Trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam-Lào |
Nâng cao nhận thức và tuyên truyền
Ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, "công tác quản lý biên giới thời gian vừa qua là một trong những điểm sáng trong sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào. Chúng ta đã có những thuận lợi rất quan trọng, chúng ta đã hoạch định xong đường biên giới, làm dày và tôn tạo đường biên giới giữa hai bên cũng như có những nhận định rất quan trọng".
Thời gian tới, định hướng công tác quản lý biên giới giữa Việt Nam và Lào, ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng, đầu tiên là phải làm tốt hơn công tác nâng cao nhận thức và tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác quản lý biên giới, góp phần tạo nền tảng, tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng, công tác tuyên truyền phải tiếp tục được làm và làm nhiều hơn, bài bản hơn.
Bên cạnh đó, do đường biên giới giữa Việt Nam và Lào là đường biên giới dài nhất trong các tuyến biên giới trên bộ, vì vậy rất quan trọng. Do vậy, cần tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và người dân cũng như người dân giữa hai bên đường biên giới trong công tác quản lý đường biên, mốc giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm ở trên biên giới, các loại hình tội phạm mới, xuyên biên giới.
Đồng thời, phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc củng cố đường biên, mốc giới, đây là khu vực chịu tác động rất nhiều bởi thiên nhiên, lũ lụt. Đường biên, mốc giới cần tiếp tục tôn tạo, củng cố và chống các sụt lở cũng như tác động hủy hoại đường biên, mốc giới, làm rõ đường biên giới của chúng ta với Lào thông qua cột mốc rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, định hướng rất quan trọng có thể nói đến nay đã duy trì được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Tới đây nữa chúng ta cần phải làm cho đường biên giới của chúng ta trở thành đường biên giới phát triển, tạo thêm các xung lực cũng như các dư địa để phát triển mới.
Do đó, cần phải làm tốt hơn thông qua việc tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động trao đổi thương mại, hàng hóa, sản xuất giữa hai bên biên giới, đặc biệt là tập trung vào tiếp tục nâng cấp các cửa khẩu biên giới và đầu tư một cách bài bản; tập trung hơn nữa, nâng cao hơn nữa cơ sở hạ tầng biên giới, đặc biệt là hạ tầng, cửa khẩu rất là quan trọng, để từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động sản suất kinh doanh, trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai bên, qua đó không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn củng cố tình hữu nghị, đoàn kết cũng như có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh, quốc phòng ở hai nước.