Tăng cường dự báo để chủ động trước diễn biến cung - cầu lao động
Chất lượng lao động thay đổi tích cực
Tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế và các xu thế lớn khác đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả cung-cầu lao động ở nước ta. Thông tin tại hội thảo “Phương pháp dự báo cung-cầu lao động” vừa qua, ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, trong thời kỳ hậu Covid-19, về số lượng, cung lao động ở Việt Nam đã có sự thay đổi rõ nét. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2022 là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và đặc biệt tăng gần 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2022 là 68,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và hơn 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động của nữ là 62,5%, thấp hơn 12,6 điểm phần trăm so với nam (75,1%).
Cùng với đó, chất lượng lao động cũng có sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ quý III/2022 là 26,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và hơn 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra rất nhiều đối với cung lao động cả về số lượng và chất lượng, khi thiếu hụt lao động cục bộ vẫn đã và đang diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực, ngành nghề.
Hội thảo “Phương pháp dự báo cung-cầu lao động” |
Bên cạnh đó, về cầu lao động cũng có sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực. Trong quý III/2022, tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động-việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý III/2021- quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự biến động về cầu lao động đã và đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực, ngành nghề, đòi hỏi nguồn cung lao động thích ứng phù hợp cả về số lượng và chất lượng.
Sự biến động về cung và cầu lao động diễn ra là tất yếu, theo quy luật khách quan của sự chuyển đổi về kinh tế luôn song hành cùng chuyển đổi của thị trường lao động. Tuy nhiên, "thay vì bị động, chúng ta chủ động để nắm bắt, làm chủ được những diễn biến thay đổi của cung và cầu lao động thì mới có thể quản trị, điều tiết, như trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã nêu rõ “Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước” - ông Tào Bằng Huy cho hay. Trong tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Sắp tới, Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập sẽ sớm được ban hành, dự kiến vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.
Thời kỳ hậu Covid-19 cung và cầu lao động đã có sự thay đổi rõ nét theo hướng tích cực. So với năm 2021, tỷ lệ tham gia và chất lượng lao động đều tăng.
Chủ động trước diễn biến thị trường
Qua giới thiệu một số phương pháp dự báo thị trường lao động đang được ứng dụng, các chuyên gia nhấn mạnh dự báo cầu nhân lực là vấn đề rất khó, không có mô hình dự báo nào là tuyệt đối. Nguyên nhân là do phương pháp dự báo đơn giản, chưa xem xét các biến đổi bất thường do đại dịch Covid-19; Chưa dự báo được sự biến động của thị trường lao động trong nước, quốc tế; xu hướng tiến bộ của khoa học công nghệ làm thay đổi sản xuất, nhu cầu sử dụng nhận lực...
Trong xu hướng 4.0 hiện nay, Việt Nam nên tập trung dự báo về xu hướng sử dụng nhân lực theo kỹ năng và tay nghề gắn với các ngành nghề lĩnh vực, thay vì dự báo về trình độ đào tạo. Cùng với đó là làm tốt hơn công tác thống kê, cơ sở dữ liệu và minh bạch về thông tin. Về vấn đề này, đại diện Cục Việc làm cho biết, những năm qua, ILO đã luôn đồng hành cùng cơ quan Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai một số hoạt động nghiên cứu, tham vấn, đào tạo và chuẩn hóa nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động.
Tăng cường phân tích, dự báo thị trường lao động |
Đáng chú ý, được sự hỗ trợ của ILO, Bộ đã thông qua dự án Hệ sinh thái năng suất lao động (PE4DW). Đây là một phần trong nỗ lực nhằm phát triển một mô hình phân tích và dự báo cung-cầu lao động sẽ được sử dụng cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Từ đó, tạo cơ hội thu thập kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, tổ chức khác về nghiệp vụ phân tích và dự báo. Đồng thời, đề xuất, xây dựng mô hình dự báo cung-cầu lao động phù hợp cho Việt Nam.
Mô hình này sẽ góp phần giúp Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng cốt lõi là phân tích và dự báo cung-cầu lao động để cung cấp thông tin kịp thời, làm cơ sở hoạch định và điều hành chính sách tốt hơn. Trên cơ sở đó, trong dự báo thị trường lao động, cần xác định rõ đối tượng và mục đích.
Cụ thể, dự báo chiến lược để phục vụ cho xây dựng, thực hiện ban hành các nghị quyết, các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như các nghị quyết phát triển cho các vùng, miền của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, có dự báo hỗ trợ phát triển thị trường lao động phục vụ cho điều hành, hỗ trợ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Việc làm. Về dự báo cung lao động, cần có các kịch bản chính sách về cung lao động, về số lượng các ngành-nghề. Cần chú trọng vấn đề dự báo đa tầng, đa lĩnh vực. Một dự báo về thị trường lao động cần bảo đảm ở tầng quốc gia, tầng địa phương. Từ đó, hình thành một mô hình dự báo tốt cho điều hành của Chính phủ, của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Thời gian tới, Cục Việc làm sẽ phối hợp Bộ Công an để kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó, sẽ có cơ sở dữ liệu nền cho 54 triệu lao động. Cơ quan này cũng đã báo cáo Ủy ban xã hội của Quốc hội về đề xuất triển khai sổ lao động điện tử và xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm quốc gia trực tuyến. |