Thứ bảy 10/05/2025 11:03

Tận diệt "rồng đất" - cưa đứt "lưỡi cày" sinh học của nhà nông

Người dân ở Hòa Bình phản ánh tình trạng người dân sử dụng kích điện bắt "rồng đất", tác động xấu đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc.

Lén lút kích điện bắt “rồng đất”

Giun đất (tên gọi khác là thổ long, địa long - rồng đất) thường được ví như “bạn của nông dân”, “người cày ruộng”, “ruột của trái đất”, “kỹ sư sinh thái”, “lưỡi cày sinh học của nhà nông”… có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, một vài năm gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh thành trên cả nước, tình trạng sử dụng kích điện để săn bắt, tận diệt “rồng đất”, gây nhức nhối với bà con nông dân.

Mặc dù, chính quyền nhiều địa phương đã có các biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng nhóm người này vẫn lén lút hoạt động săn bắt, thu mua, sấy giun đất… cũng trở thành mối lo ngại hủy hoại môi trường đất, người dân sản xuất nông nghiệp điêu đứng.

Hoạt động sơ chế tại một cơ sở chế sấy giun đất. Ảnh: Hải Sơn

Anh Nguyễn Anh T., trú tại xã Thu Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cho biết, nhà anh có khoảng gần 4ha đất trồng cam. Thời gian trước, anh đã nhiều lần phản ứng quyết liệt với hành vi sử dụng kích điện bắt giun đất ra khỏi vườn cam nhà mình. Thậm chí, anh phải cầu cứu lên cấp Trung ương phản ánh về hoạt động của nhóm người dùng kích điện tiêu diệt giun đất nhưng chưa được giải quyết triệt để.

“Những khu vực cây trồng bị kích điện bắt giun trở nên cằn cỗi, sâu bệnh tấn công, cây yếu, môi trường đất xuống cấp trầm trọng. Vì thế, tôi đã ít nhất 2 lần có “tâm thư” cầu cứu gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cây trồng, đất đai bị xâm hại do nạn kích điện bắt giun diễn ra trong thời gian dài. Dù hoạt động này không rầm rộ như những năm trước, nhưng hiện nay nhóm người vẫn lén lút săn bắt giun đất, triệt hạ con đường sống của bà con”, anh T. bức xúc chia sẻ.

Cũng theo anh T., do nhiều lần phản ứng quyết liệt với nhóm người săn bắt giun đất mà anh đã bị kẻ gian đe dọa đến tính mạng.

“Chúng tôi cũng có nhiều kiến nghị về nội dung này nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng không hiểu do chế tài xử lý thế nào mà các đối tượng vẫn thậm thụt săn bắt giun bán cho các cơ sở chế biến?”, anh T. đặt câu hỏi.

Tình trạng sử dụng kích điện tận diệt "rồng đất" gây bức xúc cho nông dân. Ảnh: CTV

Cùng chung nỗi lo như anh T., chị Nguyễn Thị V. (trú tại xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) cho biết, gia đình nhà chị có khoảng hơn 2ha đất trồng nhãn. Khoảng thời gian từ năm 2021 đến giữa năm 2023, tình trạng người dân sử dụng kích điện tận diệt giun đất, khiến các hộ trồng cây ăn quả không khỏi lo lắng. Các hộ dân phải cắt cử người “đi tuần” cả ngày đêm để ngăn chặn nạn “giun tặc”.

“Chúng tôi có đến hỏi chính quyền địa phương về xử lý tình trạng này nhưng các anh trên xã nói khó bắt tận tay đối tượng và chế tài xử lý khó khăn, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, bà con nên tự tìm cách bảo vệ ruộng vườn của mình”, chị V. cho hay.

Theo phản ánh, tình trạng đất đai bị hủy hoại bởi các “kích thủ” tận diệt giun đất tái diễn trong thời gian gần đây tại một số huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong… Mặc dù, hoạt động này không rầm rộ như 1-2 năm trước, nhưng vấn nạn “giun tặc” vẫn tái diễn, khiến cho nhiều nông dân vô cùng lo ngại…

Khó xử lý

Sau nhiều ngày Báo Công Thương tìm hiểu thực tế, cách thức bắt giun rất đơn giản. Chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2m2 các loại giun to nhỏ ngoi lên trên mặt đất. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể bắt được từ 5 - 10kg giun tươi, thậm chí có thể nhiều hơn.

Trong vai “đầu nậu” đi gom mua giun tươi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, phóng viên được một “thợ” săn bắt giun đất tiết lộ, sau khi đi bắt giun đất, người này sẽ mang đến bán cho cơ sở chế biến của bà Trần Thị Hoa (ở xóm Khuôi, tổ 10, phường Thái Bình, TP. Hòa Bình).

Theo chia sẻ của “thợ” bắt giun này, giun đất tươi hiện nay đang được các “đầu nậu” thu mua với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Giun sau khi thu mua sẽ được các chủ lò sấy thuê nhân công xẻ bụng, xếp thành lớp rồi đưa đi sấy khô. Mỗi mẻ giun được sấy bằng củi trong thời gian khoảng 4 giờ. Trung bình khoảng 10kg giun tươi sau khi sấy sẽ thu được 1kg giun khô. Giun khô được bán cho thương lái Trung Quốc hiện nay với giá khoảng từ 650.000 – 670.000 đồng/kg hoặc tùy thời điểm giá sẽ lên xuống.

“Người đi bắt giun trung bình có thể kiếm gần 1 triệu đồng/ngày. Còn nếu ngày nào chịu khó và gặp được may trúng “ổ” giun lớn có thể kiếm được từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Nhưng do gần đây người ta săn bắt giun nhiều và cấm dùng kích điện nên giờ ngày chỉ kiếm được 300 - 400 nghìn đồng, thậm chí không được”, một người “thợ” bắt giun tiết lộ.

Hoạt động sơ chế, chất thải của giun hôi tanh được xả thẳng ra môi trường. Ảnh: Hải Sơn

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về cơ sở thu mua sấy giun của bà Trần Thị Hoa (ở xóm Khuôi, tổ 10, phường Thái Bình, TP. Hòa Bình), ông Bùi Thế Dương, Chủ tịch UBND phường Thái Bình cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, phường đã họp bàn và cho lập tổ kiểm tra, giám sát hoạt động kích điện săn bắt giun đất và cơ sở chế biến, sấy giun trên địa bàn phường do một Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng. Trong đó, lực lượng Công an làm nòng cốt”.

Trung tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng Công an phường Thái Bình cho rằng, mặc dù hoạt động kích điện bắt giun đất được coi là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng do chế tài hiện nay không đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe.

“Do trong quy định của luật chưa nêu cụ thể hành vi săn bắt giun đất xử lý như thế nào nên chỉ khi phát hiện quả tang, lực lượng công an mới có cơ sở thu giữ tang vật và xử lý vi phạm hành chính. Vì thế, việc xử lý dứt điểm tình trạng này hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn”, Trung tá Nguyễn Văn Hải cho hay.

Hoạt động sấy giun tại một xưởng sơ chế ở Lạc Sơn. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Khắc Long, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho rằng, giun đất đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300 - 500 con/m2. Khi đất càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt.

“Do đó, hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất bằng hình thức kích điện như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Thậm chí, việc săn bắt giun này còn tiềm ẩn nguy cơ gây suy thoái môi trường và phức tạp về an ninh trật tự”, ông Nguyễn Khắc Long đánh giá.

Giun khô được thương lái thu mua bán đi các tỉnh và xuất sang Trung Quốc. Ảnh: CTV

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Long, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình mới chỉ ghi nhận việc khai thác giun đất bằng kích điện, chưa ghi nhận việc khai thác giun đất bằng hóa chất. Việc gây ô nhiễm môi trường của hành vi dùng kích điện để khai thác giun đất đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào cụ thể.

Hải Sơn
Bài viết cùng chủ đề: bắt giun đất

Tin cùng chuyên mục

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nam tính lại vốn đầu tư cao tốc

Ông Trần Sỹ Thanh: Báo chí là đối tác chiến lược của Thủ đô Hà Nội

Thiếu tướng Nguyễn An Phong giữ chức Chính ủy Hải quân

Khi ‘lòng xe điếu’ được chứng nhận sản phẩm gia truyền nổi tiếng quốc gia’?

Bàn giao chức Phó Chính ủy Quân khu 3 giữa hai Thiếu tướng

Trung tướng Đào Tuấn Anh giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 34

Đại biểu đề xuất đánh thuế vào một mặt hàng liên quan thói quen trăm triệu người

Mận cherry Sơn La đổ bộ Hà Nội, giá siêu rẻ

Đề xuất nhân rộng mô hình trồng lúa phát thải thấp

Đảng bộ Tiểu đoàn DK1 bước vào nhiệm kỳ mới

70 năm ngành điện Hải Phòng: Dòng điện của niềm tin và khát vọng...

Trung tâm dạy thêm mọc như 'nấm sau mưa': Cảnh báo khoảng trống quản lý

Company Day 2025: Bệ phóng cho sinh viên bước vào ngành dầu khí

Phát động cuộc thi báo chí Tỏa sáng hào khí Cách mạng tháng Tám

Trường Sa xanh trong mắt vị tướng ngày trở lại

Vô lễ với cựu chiến binh, nam sinh Đại học Văn Lang bị kỷ luật khiển trách

Ấn Độ công bố hai giống lúa chỉnh sửa gen đầu tiên

Thời tiết hôm nay 9/5: Hà Nội ngày nắng nóng, đêm mưa

Thời tiết biển hôm nay 9/5/2025: Gió nhẹ, sóng êm

Thi tốt nghiệp 2025: Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt