Phối hợp chính sách vĩ mô và chính sách tài khóa giúp ổn định hệ thống tài chính
CôngThương - Bất cập từ sở hữu chéo
Tại Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính”, do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), Ban Kinh tế trung ương và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 18/12/2013, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn- giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright- bày tỏ quan điểm: “Đối với Việt Nam, gần 7 năm qua, các trục trặc của nền kinh tế đi cùng với sự bất ổn và thiếu lành mạnh của hệ thống tài chính, đặc biệt là khu vực ngân hàng”. Theo ông Tuấn, khó có thể chứng minh và phân biệt rạch ròi rằng khu vực nào là nguyên nhân và khu vực nào là hệ quả của các bất ổn kinh tế - tài chính bởi chúng như một nút thắt đan xen, níu kéo nhau.
Về nguyên nhân, Chủ tịch NFSC tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn cho rằng, đó chính là do sở hữu và đầu tư chéo với sự liên thông của cả 3 khu vực: Ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp, đã làm méo mó và lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế. “Thêm vào đó, có không ít các loại hình giao dịch tài chính mang bản chất ngân hàng nhưng vẫn chưa được quy định trong khuôn khổ kiểm soát của các cơ quan quản lý, vì thế cần làm sáng tỏ vấn đề này”- ông Ngoạn nhấn mạnh.
Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam- chia sẻ, một ngành tài chính lành mạnh là yếu tố quan trọng để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Bài học quan trọng rút ra tại cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây là phải đảm bảo nền tảng cho hệ thống tài chính.
Ông Vũ Viết Ngoạn- Chủ tịch NFSC: Tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam không chỉ dừng ở việc khắc phục những hậu quả như nợ xấu, thanh khoản mà phải có những thay đổi căn bản về thể chế, cấu trúc thị trường và tư duy chính sách để kiến tạo một nền tảng tài chính vững mạnh. |
Gợi ý chính sách
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng: Sự điều phối, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách giám sát an toàn tài chính, dù không phải là chiếc đũa thần, sẽ đem đến một phần lời giải cho việc tháo gỡ các bế tắc hiện nay của cả nền kinh tế lẫn khu vực tài chính. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, phạm vi của giám sát tài chính không chỉ là giới hạn vào khu vực tài chính mà còn cần xem xét các tác động có thể có của việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Thực tế cho thấy, sự phối hợp thiếu hài hòa trong điều hành chính sách làm gia tăng nguy cơ bất ổn của thị trường tài chính, vì thế việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần ổn định và bền vững. Theo tiến sĩ Trương Văn Phước- Phó chủ tịch NFSC, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải được thực hiện theo nguyên lý nghịch chu kỳ, tức là giảm đầu tư công khi đầu tư khu vực tư nhân có xu hướng tăng đột biến tạo nên tăng trưởng nóng và ngược lại.
Đưa ra gợi ý chính sách cụ thể hơn đối với Chính phủ Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: Việt Nam cần có những định hướng cho cải cách, Chính phủ nên giảm thiểu tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại các ngân hàng và tạo điều kiện cho sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân. “Chính phủ cũng có thể làm rõ hơn vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, cho cơ quan này nhiều thẩm quyền hơn và nâng cao trách nhiệm giải trình của họ; ngoài ra, cần xem xét đến tính độc lập, tự chủ của NHNN.”- bàVictoria Kwakwa nói.