Tác hại của đi giày cao gót đối với sức khỏe
Biến dạng ngón chân cái do đi giày cao gót
Biến dạng ngón chân cái có thể gây đau và giảm khả năng vận động. Sự phát triển và tiến triển của tình trạng này là một quá trình đa yếu tố trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng giày cao gót.
Giày cao gót thường làm tăng áp lực lên các ngón chân, đặc biệt là ngón cái. Khi đi giày cao gót, trọng lượng của cơ thể dồn lên phần trước của chân, khiến ngón chân cái phải nghiêng ra phía ngoài để cân bằng sự thay đổi trong trọng lượng. Áp lực này có thể gây ra sự biến dạng ngón chân cái. Nhiều loại giày cao gót có thiết kế bó chặt chân, có thể gây áp lực lên các ngón chân, ảnh hưởng đến cơ cấu xương khớp của chân.
Ảnh minh họa |
Do đó, nếu thường xuyên sử dụng giày cao gót và không chú ý đến việc chọn giày phù hợp, không thực hiện các biện pháp để giảm áp lực trên ngón cái và chân, có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của biến dạng ngón chân cái hoặc các vấn đề khớp, xương khác ở chân.
Trong một số trường hợp, bệnh có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh cách đi, đứng, sử dụng giày phù hợp hoặc các biện pháp không phẫu thuật khác. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng và gây đau đớn hoặc hạn chế khả năng di chuyển, có thể cần phải tiến hành phẫu thuật.
Viên cân gan bàn chân vì đi giày cao gót
Viêm cân gan bàn chân (plantar fasciitis) là một tình trạng y tế phổ biến ảnh hưởng đến bàn chân, đặc biệt là phần gót chân và đường dây chằng plantar fascia. Plantar fascia là cơ cân gan bàn chân nằm ở phía dưới bàn chân, chạy từ gót chân đến đầu ngón cái, giúp hỗ trợ cơ cấu bàn chân và duy trì hình dạng của nó.
Viêm cân gan bàn chân xảy ra khi cơ này bị viêm. Tình trạng này thường gây ra đau ở phần gót chân hoặc gần vùng gót chân.
Bệnh lý xương khớp từ giày cao gót. Ảnh minh họa |
Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Căng thẳng quá mức do hoạt động vận động cường độ cao hoặc tải trọng quá lớn lên bàn chân.
- Sử dụng giày không phù hợp hoặc thiết kế không tốt, đặc biệt là giày cao gót trong thời gian dài.
- Vấn đề về cấu trúc cơ, khớp bàn chân.
- Tăng cân nhanh chóng hoặc béo phì, khiến cho áp lực lên plantar fascia tăng lên.
Mang giày cao gót khiến trọng lượng dồn về phía trước, làm trầm trọng thêm tình trạng cân gan chân, thường xảy ra ở phụ nữ. Viêm cân gan chân, gây đau dữ dội khi thức dậy vào buổi sáng và bước những bước đầu tiên, cơn đau có xu hướng giảm bớt khi hoạt động vào buổi chiều. Tuy nhiên, cần thận trọng vì có thể ảnh hưởng đến khớp gối, thắt lưng, hông nếu không được điều trị kịp thời.
Để điều trị, các phương pháp thường bao gồm nghỉ ngơi, tập thể dục cơ bàn chân để tăng sự linh hoạt và sức mạnh, sử dụng đệm đúng cách, giày phù hợp. Trong một số trường hợp, điều trị bằng thuốc hoặc vật lý trị liệu. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng hoặc không có sự cải thiện, cần phải thảo luận với bác sĩ về các phương pháp điều trị bổ sung hoặc phẫu thuật.
Võng lưng do đi giày cao gót
- Ưỡn cột sống còn gọi là võng lưng (lordosis) là một loại biến dạng về cơ cấu của cột sống, xảy ra khi các đốt sống lưng dưới (thắt lưng) cong quá mức ra phía trước, với những dấu hiệu đặc trưng, bao gồm:
- Lưng ưỡn cong về phía trước trước tạo nên tư thế võng lưng ngựa.
- Thường xuyên đau lưng, đặc biệt là phần lưng dưới.
- Gặp khó khăn khi di chuyển.
Do gót giày cao gót mỏng và cao nên để giữ thăng bằng có thể khiến cột sống thắt lưng bị cong, gây ra tư thế ưỡn lưng. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể phát triển thành thoát vị đĩa đệm, cong vẹo cột sống.
Chăm sóc đôi chân như thế nào khi đi giày cao gót?
Nếu không thể từ bỏ giày cao gót, hãy mang chúng trong thời gian ngắn và giảm số lần đi. Chăm sóc đôi chân khi đi giày cao gót cũng quan trọng để đảm bảo sự thoải mái và tránh các vấn đề về sức khỏe.
Dưới đây là một số lời khuyên về cách chăm sóc chân khi sử dụng giày cao gót:
- Lựa chọn giày phù hợp: Chọn giày cao gót có kích cỡ, dáng và độ rộng phù hợp với chân.
- Sử dụng đệm giày: Đặt đệm hoặc gel đệm vào vị trí có áp lực cao để giảm áp lực lên bàn chân và gót chân.
- Tập thể dục cơ bàn chân: Tập thể dục cơ bàn chân để tăng cường sức mạnh và linh hoạt. Điều này có thể giúp giảm áp lực lên bàn chân. Ngoài ra, nên thường xuyên xoa bóp, giãn cơ bàn chân và bắp chân.
- Kiểm tra kết cấu của giày: Thường xuyên kiểm tra tình trạng của giày, đặc biệt là đế và đệm, để đảm bảo chúng vẫn còn tốt. Khi đế giày hoặc đệm hao mòn, nên thay giày mới.
- Hạn chế thời gian đi giày cao gót: Nếu có thể, hạn chế thời gian đi giày cao gót, đặc biệt là nếu phải đứng lâu, đi nhiều để giảm áp lực lên bàn chân. Nếu cảm thấy đau hoặc không thoải mái, nên nghỉ ngơi và massage chân.
- Thường xuyên ngâm chân: Ngâm chân xen kẽ trong nước lạnh và nước ấm để giảm bớt mệt mỏi và bảo vệ sức khỏe đôi chân.