Sức hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn rất lớn
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam thu hút được 34.898 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 426,14 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện lũy kế của các dự án đăng ký đạt 259,31 tỷ USD, bằng 60,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam |
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 252 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với trên 65,3 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với trên 36,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
Như vậy có thể thấy, vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số và bỏ xa các lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại thứ 2 và thứ 3 là bất động sản và sản xuất, phân phối điện.
Đáng chú ý, không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota,… trong đó những tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả.
Điển hình như Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, tập đoàn này chính thức nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam từ năm 2008 với nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại tỉnh Bắc Ninh, sau đó liên tục mở rộng đầu tư sang mộ số tỉnh, TP. Hà Nội, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh. Tính đến năm 2022, số vốn đầu tư mà Samsung đầu tư vào Việt Nam đã lên tới con số khoảng 20 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh Samsung, ông Daiki Mihara - Tổng giám đốc Honda Việt Nam cũng cho biết, tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1996 với dự án đầu tiên tạitỉnh Vĩnh Phúc, tính đến nay đã có 26 năm hoạt động tại Việt Nam.
"26 năm qua, Honda luôn nỗ lực mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhằm đáp ứng kỳ vọng cho vị thế nhà sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu tại Việt Nam" - ông Daiki Mihara khẳng định. Hiện tại, ngoài nhà máy ở Vĩnh Phúc, Honda còn có nhà máy đặt tại tỉnh Hà Nam.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực có sức hút lớn với dòng vốn FDI |
Sức hút công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn rất lớn
6 tháng đầu năm 2022, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam thu hút được 16,03 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm 63% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, bên cạnh những dự án FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đăng ký mới, còn có sự xuất hiện của các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đăng ký tăng vốn với quy mô lớn. Như Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD.
Nói về nguyên nhân khiến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn vốn đầu tư đầu tư nước ngoài, ông Andrew Lee - Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển kinh doanh thị trường Hàn Quốc (Savills Việt Nam) cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam nhờ lợi thế về nguồn lao động, ổn định chính trị và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng. Theo đó, ông Andrew Lee cho rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực có sức hút lớn với dòng vốn FDI Hàn Quốc trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là điều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau 2 năm chùng xuống do dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giúp người lao độngViệt Nam nâng cao tay nghề, giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cung ứng các sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự mang lại hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, Việt Nam cũng cần “khắt khe” hơn trong việc lựa chọn dự án, nhằm thu hút những dự án có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động và mang lại giá trị gia tăng cao, đồng thời hạn chế những dự án dùng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 252 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn FDI đầu tư tại Việt Nam. |