Thứ sáu 29/11/2024 00:18

Sự cố tấn công mã hoá dữ liệu tại PVOIL, VNDIRECT: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Từ các sự cố tấn công mã hoá dữ liệu tại PVOIL, VNDIRECT, doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án đưa các hệ thống quan trọng vào giám sát an ninh mạng 24/7.

Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi

Thời gian qua, hệ thống thông tin của hàng loạt đơn vị đã bị tấn công, gây gián đoạn hoạt động và thiệt hại về vật chất của các doanh nghiệp.

Tấn công mạng ngày càng tinh vi và phức tạp

Mới nhất, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho hay hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị này bị tấn công bất hợp pháp có chủ đích, theo hình thức mã hóa dữ liệu (ransomware). Vụ việc tấn công diễn ra vào 0h ngày 2/4, khiến hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị ngưng trệ. Trong đó, có hệ thống phát hành hóa đơn điện tử. Điều này khiến việc phát hành hóa đơn điện tử phục vụ việc bán hàng của PVOIL tạm thời không thể thực hiện được.

PVOIL cũng cho biết đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng và đang tích cực xử lý, nhằm khắc phục sự cố trên trong thời gian sớm nhất.

Trước sự cố xảy ra với PVOIL, một doanh nghiệp Việt Nam khác là Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cũng đã bị tấn công ransomware. Sau hơn 1 tuần kể từ thời điểm phát hiện sự cố, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cùng đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng đến từ các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng lớn của Việt Nam, sự cố đã cơ bản được khắc phục và hệ thống của VNDIRECT đã khôi phục hoạt động giao dịch từ ngày 1/4.

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ tấn công mã hoá dữ liệu nghiêm trọng xảy ra, từ chứng khoán, năng lượng, viễn thông, y tế. Hình thức tấn công của tin tặc trong các vụ việc vừa qua tương đối giống nhau: Tấn công nằm vùng 1 thời gian, sau đó thực hiện mã hoá dữ liệu tống tiền.

Tuy nhiên, kỹ thuật tấn công các vụ lại không giống nhau nên khả năng đây là các cuộc tấn công của những nhóm tội phạm khác nhau. Chưa có bằng chứng cho thấy đây là 1 chiến dịch có tổ chức. Song cũng không loại trừ khả năng này vì các vụ việc liên tiếp xảy ra trong 1 thời gian khá ngắn.

Để thực hiện mã hoá dữ liệu, tin tặc phải có đủ thời gian để biết dữ liệu nào quan trọng. Vì vậy, tin tặc sẽ phải cài các mã độc nằm vùng, thu thập thông tin hàng ngày, từ đó phân tích, đánh giá và lựa chọn mục tiêu để mã hoá dữ liệu. Với tổ chức có càng nhiều thành phần và càng phức tạp thì thời gian nằm vùng phải càng lâu.

Theo ông Sơn, mặc dù nhận thức về đảm bảo an ninh mạng của các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đã nâng cao đáng kể, tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp đề phòng vẫn chưa thực sự tương xứng. Trong khi các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, đặc biệt có sự tham gia của các nhóm tội phạm lớn quốc tế. Vì vậy, các hệ thống tại Việt Nam luôn ở trong nguy cơ có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.

Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc phòng, chống. Ngoài việc rà soát lỗ hổng, tăng cường các giải pháp công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức lớn cần xây dựng một đội ngũ chuyên trách về an ninh mạng để bảo vệ hệ thống.

Mặt khác, cần triển khai mô hình bảo vệ 4 lớp theo khuyến cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó, yêu cầu thuê dịch vụ giám sát an ninh mạng chuyên nghiệp để đảm bảo khách quan, khắc phục điểm yếu con người của hệ thống, phát hiện kịp thời khi hệ thống bị tấn công, xâm nhập.

Để hạn chế những rủi ro nguy cơ tấn công hệ thống, chuyên gia này nhấn mạnh, ngay lúc này, doanh nghiệp, tổ chức cần chuẩn bị các phương án khẩn trương đưa các hệ thống quan trọng vào giám sát an ninh mạng 24/7. Việc giám sát liên tục sẽ giúp phát hiện ra các trường hợp xâm nhập hệ thống từ sớm, loại bỏ nguy cơ bị nằm vùng theo dõi.

Cùng với đó, khẩn trương thực hiện backup dữ liệu quan trọng, tốt nhất là thiết lập được hệ thống dự phòng backup định kỳ. Sẵn sàng quy trình ứng phó sự cố, nếu có điều kiện tổ chức diễn tập để rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện quy trình với các trải nghiệm thực tế

Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo nhận thức an ninh mạng, nâng cao kỹ năng của người dùng; rà soát, kiểm tra an ninh định kỳ cho toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu.

Trước những cuộc tấn công ngày càng mạnh hơn cả về cường độ, quy mô và độ tinh vi thì việc doanh nghiệp cần có chiến lược phòng bị từ xa là hết sức quan trọng, tránh tình trạng "mất bò" mới lo làm chuồng.

Cần tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng

Trước thực trạng một số doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam bị tấn công ransomware gây gián đoạn hoạt động, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, qua theo dõi, giám sát không gian mạng, Cục đã phát hiện xu hướng tấn công mạng, đặc biệt là mã hóa tấn công tống tiền (ransomware) tăng cao.

"Trong thời gian gần đây, đã có một số hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam bị sự cố tấn công, gây gián đoạn hoạt động và thiệt hại về vật chất, hình ảnh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cũng như hoạt động bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia" - Cục An toàn thông tin nêu.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin đề nghị các đơn vị tổ chức rà soát, tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin, ưu tiên các giải pháp giám sát, cảnh báo sớm.

Đồng thời, thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, trong trường hợp phát hiện các nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu, cần lập tức triển khai các biện pháp khắc phục, đặc biệt là các hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân.

Rà soát, tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, đặc biệt là nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp và duy trì liên tục, ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hoặc làm chủ công nghệ.

Cùng với đó, triển khai phương án sao lưu định kỳ hệ thống và dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục khi bị tấn công mã hóa dữ liệu. Thực hiện định kỳ săn lùng mối nguy hại để phát hiện kịp thời các dấu hiệu hệ thống bị xâm nhập. Đối với hệ thống đã phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, sau khi khắc phục lỗ hổng, cần thực hiện ngay việc săn lùng mối nguy hại nhằm xác định khả năng bị xâm nhập trước đó.

Ngoài ra, kiểm tra, cập nhật các bản vá an toàn thông tin cho các hệ thống quan trọng theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin và các cơ quan, tổ chức liên quan; định kỳ kiểm tra, đánh giá, rà soát để phát hiện kịp thời các lổ hỗng an toàn thông tin, các điểm yếu đang tồn tại trên hệ thống...

Ransomware, loại phần mềm độc hại được thiết kế để mã hóa dữ liệu trên hệ thống nạn nhân và đòi tiền chuộc để giải mã, đã trở thành một trong những mối đe dọa an ninh mạng phổ biến và nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào dữ liệu số và công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội khiến cho các tổ chức và cá nhân trở nên dễ bị tổn thương trước những cuộc tấn công này.

Nguy hiểm của ransomware không chỉ nằm ở khả năng mã hóa dữ liệu mà còn ở cách thức lan truyền và yêu cầu tiền chuộc, tạo ra một kênh giao dịch tài chính mà qua đó, hacker có thể thu lợi bất chính. Sự tinh vi và khó lường của các cuộc tấn công ransomware khiến chúng trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh mạng hiện nay.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: An ninh mạng

Tin cùng chuyên mục

Từ ‘cơn sốt’ vé ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’: Âm nhạc chất lượng sẽ thắng trên ‘sân nhà’

Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hòa vào 'dòng chảy' cung ứng toàn cầu

'Dẹp loạn' quảng cáo sai sự thật: 'Cuộc chiến' chưa hồi kết trên không gian mạng

Thành phố Hà Nội sẽ làm gì để chống “mùa” bụi mịn?

Xét tuyển đại học bằng học bạ khó phản ánh năng lực thực chất của học sinh, dễ nảy sinh tiêu cực

Quỹ Tấm lòng Việt: ''Viết tiếp ước mơ đến trường'' của nhiều học sinh nghèo vượt khó

Lòng yêu nước 'cháy rực' trên sân trường: Hiệu ứng tích cực từ 'Anh trai vượt ngàn chông gai'

Doanh nghiệp dệt may phát huy sức sáng tạo của người lao động

Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai: 7 năm làm cầu nối trao đi những 'giọt hồng' yêu thương

Giải pháp để ngành Công Thương tiến nhanh trên hành trình chuyển đổi số

“Cấm” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Có khả thi?

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm truyền thống 50 năm

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

Bộ Công Thương ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 9 (bão Man-yi)

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?