Startup Việt Nam: Khát vọng vươn ra thế giới
Tự tin vươn ra biển lớn
Câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai trẻ Đặng Thành Trung - đồng sáng lập Công ty TNHH Công nghệ ezCloud - gây ấn tượng với chúng tôi về những cố gắng không ngừng nghỉ và kiên định với con đường đã chọn.
Phong trào khởi nghiệp nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ |
Anh Đặng Thành Trung chia sẻ, ezCloud được thành lập từ năm 2013, bởi 6 người đến từ trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ban đầu, nhóm chỉ muốn xây dựng một phần mềm cho ngành du lịch, dựa trên các kiến thức đã học cũng như muốn qua đó, có thể đóng góp cho xã hội. Đồng thời, khẳng định lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam không thua kém so với các nước.
Quyết tâm đi theo con đường đã chọn, ezCloud hiện nay được biết đến như một startup công nghệ du lịch gặt hái được nhiều "trái ngọt" với tốc độ tăng trưởng trung bình 200%/năm và số lượng nhân sự tăng gấp 8 lần so với ngày đầu thành lập. Hơn 1.000 khách sạn, trong đó, 3/4 là khách sạn vừa và nhỏ đã sử dụng giải pháp quản lý khách sạn của ezCloud. Bên cạnh đó, ezCloud cũng là đối tác công nghệ của Vingroup, Techcombank...
Anh Đặng Thành Trung, đồng sáng lập Công ty TNHH Công nghệ ezCloud chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp |
"Đặc biệt năm 2017, ezCloud đã thành lập công ty ở Singapore với mong muốn mang sản phẩm của người Việt Nam ra thị trường nước ngoài và hiện đã có 5 quốc gia sử dụng sản phẩm của ezCloud, trong đó có 4 quốc gia ở Đông Nam Á, 1 quốc gia ở châu Âu" - anh Đặng Thành Trung hào hứng chia sẻ.
Cũng giống như ezCloud, Công ty VP9 Việt Nam cũng là một doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có tham vọng hướng tới thị trường quốc tế dựa trên nền tảng tri thức công nghệ. Dòng camera của VP9 - camera thông minh đầu tiên trên thế giới chạy hệ điều hành Android, với kỳ vọng mang lại đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. VP9 đang nỗ lực đưa thiết bị này vươn lên vị trí số 1 tại Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường Mỹ và châu Âu. Đây là sản phẩm do chính DN Việt Nam sản xuất và làm chủ hoàn toàn về công nghệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Lê Hà Đức - Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty VP9 Việt Nam - khẳng định: Công ty có kế hoạch trong 3 năm tới mở rộng thị trường ra nước ngoài, đồng thời, tự tin những sản phẩm công nghệ của DN không thua kém gì các công ty lớn của Nhật Bản, Mỹ. Bản chất công nghệ của VP9 là công nghệ nén video. Do đó, khi giới thiệu công nghệ này đến một số đối tác, họ đã bị thuyết phục rất nhanh chóng bởi tính ưu việt của hệ thống. Hiện nay, đã có khoảng 600 khách hàng của Việt Nam sử dụng sản phẩm camera của VP9.
Tiếp "lửa" cho khởi nghiệp
VP9 hay ezCloud chỉ là một số trong những cái tên rất điển hình về các startup thành công tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có trên 3.000 DN khởi nghiệp đang hoạt động, trong khi ước tính cuối năm 2015 mới chỉ khoảng 1.800 DN khởi nghiệp. Nhiều startup đã thu hút được quỹ đầu tư trong và ngoài nước rót vốn, đây được xem là điều kiện thuận lợi giúp các công ty khởi nghiệp thực hiện tham vọng vươn ra thế giới.
Chẳng hạn, nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến Foody đã có khoản bán cổ phần lên tới 64 triệu USD; Quỹ đầu tư do Mekong Capital quản lý công bố đầu tư 4,9 triệu USD vào hệ thống Anh ngữ thông minh YOLA; trang thương mại điện tử Tiki.vn nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là JD.com; đại lý du lịch trực tuyến Vntrip tuyên bố nhận được 10 triệu USD từ Handale Capital - một công ty đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông.
Thế nhưng nhìn lại, với một ý tưởng khởi nghiệp, không dễ gì để thành công ngay lần đầu tiên. Đặc biệt, việc chinh phục thị trường nước ngoài lại càng không hề đơn giản, nhất là với những startup thiếu bề dày kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật.
"Hành trình khởi nghiệp không như là mơ, phải đối mặt với vô vàn khó khăn: Không có tiền, nhân sự, văn phòng, chiến lược kinh doanh... Những khó khăn này nhiều lúc khiến giấc mơ tưởng chừng như phải gác lại" - anh Đặng Thành Trung nhớ lại thời điểm bắt đầu khởi nghiệp.
Đồng quan điểm, anh Lê Hà Đức nhấn mạnh, vốn luôn là vấn đề khó khăn của bất kỳ một DN khởi nghiệp nào. Để giải quyết bài toán vốn, DN đã phải kêu gọi bạn bè cùng nhau góp vốn khởi nghiệp. Nếu có nguồn vốn lớn, sẽ giúp DN phát triển nhanh hơn, đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, mở rộng thị trường và đối tác.
Dù hiện tại, Việt Nam có số lượng DN khởi nghiệp lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á, nhưng số vốn đầu tư cho startup Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 7% nguồn vốn được rót cho hoạt động khởi nghiệp trong khu vực. Ước tính, năm 2017, tổng giá trị các khoản đầu tư vào DN khởi nghiệp của Việt Nam mới đạt 291 triệu USD. Do đó, vấn đề đặt ra đối với các nhà quản trị DN khởi nghiệp luôn là làm thế nào để huy động vốn tối ưu, thu hút các quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa và đạt mức tăng trưởng kỳ vọng.
Trước vấn đề này, bà Phan Hoàng Lan - Phó giám đốc Văn phòng Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) - cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, góp phần "khơi thông" dòng vốn cho DN khởi nghiệp với các kênh đầu tư mới và hình thức đầu tư đa dạng hơn. Nghị định số 38 ra đời đã tạo sự đồng thuận rất lớn của DN. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang làm đầu mối để rà soát và đề xuất chính sách liên quan để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường đầu tư khởi nghiệp, đặc biệt là xin ý kiến về vấn đề sàn gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần (equity-based crowdfunding).
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian tới, Đề án 844 sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút vốn cho khởi nghiệp từ nhà đầu tư, đặc biệt là từ kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài. |