Mùa thứ 7 của chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ - Shark Tank Việt Nam đã chính thức khép lại sau một hành trình đầy kịch tính và hấp dẫn. Với sự tham gia của 38 doanh nghiệp khởi nghiệp đầy triển vọng, mùa gọi vốn năm nay đã chứng kiến không khí cạnh tranh vô cùng sôi nổi giữa các startup và các nhà đầu tư “cá mập”.
Tổng cộng đã có 25 trong số 38 startup đã thành công gọi vốn, đạt tỷ lệ ấn tượng gần 66%. Tổng số tiền mà các Shark đã cam kết đầu tư lên đến hơn 180 tỷ đồng, một con số đáng ngưỡng mộ cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào tiềm năng của các doanh nghiệp trẻ Việt Nam.
Hơn 180 tỷ đồng đã được rót vào các startup Việt Nam chỉ trong một mùa Shark Tank. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam) |
Trong đó, hai thương vụ sáng giá nhất mùa này lần lượt gọi tên Mì thanh long Caty Foods và sản phẩm đồ chơi giáo dục trẻ em Kalo Toys, cả hai đều nhận được cam kết đầu tư 1 triệu USD từ các Shark. Sự thành công của hai startup này cho thấy xu hướng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và các sản phẩm giáo dục chất lượng cao.
Kết thúc mùa 7 của Shark Tank Việt Nam, Shark Bình đã thành công chốt 11 chiếc deal với tổng giá trị đầu tư lên đến 73 tỷ đồng. Chia sẻ về những ấn tượng của mình, Shark Bình đã có những nhận định sâu sắc về đặc điểm của các startup. Ông nhấn mạnh: “Một đặc điểm quan trọng của startup đó là thiếu thốn, trong đó có thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu quan hệ, thiếu nguồn lực, thiếu nhân sự. Đó là nguyên nhân và động lực để startup phải sáng tạo”.
Theo Shark Bình, chính sự "thiếu thốn" này đã thúc đẩy các startup không ngừng nỗ lực, tìm kiếm giải pháp và tạo ra những đột phá. Ông cũng cảnh báo về tình trạng nhiều startup sau khi gọi vốn lớn lại "lăn ra chết trước", cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì tinh thần khởi nghiệp và khả năng thích nghi với những khó khăn.
Với 12 thương vụ thành công và tổng giá trị đầu tư vượt quá 49 tỷ đồng, Shark Minh Beta đã khẳng định vị thế là một trong những nhà đầu tư năng động và sáng tạo nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 7. Điều đáng chú ý là vị Chủ tịch Beta Group đã áp dụng một chiến lược đầu tư đa dạng, bao gồm cả các giao dịch phức hợp và đầu tư bằng sản phẩm (in-kind).
Chia sẻ về quyết định này, Shark Minh Beta cho biết: "Khi tham gia chương trình, tôi không hề dự tính trước việc sẽ đưa ra những cấu trúc deal phức tạp như vậy. Tuy nhiên, sau những thành công đáng kể ở mùa trước, như trường hợp của máy chiếu mini Beecube, tôi nhận ra rằng mình cần phải có những bước đi mạnh mẽ hơn ở mùa 7. Vì vậy, tôi đã tìm kiếm mọi cơ hội để có thể tạo ra những đột phá và đưa ra những quyết định táo bạo".
Vị Shark này cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, ông đánh giá cao tiềm năng của nhiều startup nhưng cũng nhận thức rõ về những rủi ro đi kèm. Chính vì vậy, ông đã chủ động đưa ra những giải pháp linh hoạt như đầu tư bằng sản phẩm để phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Điều này không chỉ giúp các startup nhận được sự hỗ trợ cần thiết mà còn giúp Shark Minh Beta giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.
Thương vụ đầu tư 500 triệu đồng của Shark Minh Beta vào Bệnh viện Đồ Da đã xác lập kỷ lục vé vàng mới tại Shark Tank Việt Nam mùa này. Tuy nhiên, kỷ lục này nhanh chóng bị phá vỡ khi Shark Bình hào phóng trao tặng vé vàng trị giá 5 tỷ đồng cho một startup khác. Đồng thời, đây cũng là 2 “cá mập” ngồi trọn vẹn tất cả các tập của Shark Tank Việt Nam mùa 7.
Dù chỉ ngồi ghế đầu tư 8 tập trong mùa 7, Shark Hưng với kinh nghiệm dày dặn từ những mùa trước đã không làm các khán giả thất vọng khi chốt thành công 5 deal với tổng giá trị 8,7 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners nhận định: “Các startup mùa 7 có sự tiến bộ rõ rệt trong các phương án kinh doanh cũng như kết quả kinh doanh khá là khả thi, bởi vậy số deal được chốt ở mùa 7 khá nhiều”.
Bên cạnh sự trở lại của những “cá mập” kỳ cựu, sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới cũng đã góp phần làm tăng tính cạnh tranh của chương trình.Trong đó Shark Thái cũng là một điểm sáng của năm nay. Với 6 thương vụ thành công và tổng giá trị đầu tư lên đến 25,3 tỷ đồng, vị Shark này đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng đầu tư.
Là "cá mập" ngoại quốc duy nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 7, Shark Tillman Schulz đã để lại ấn tượng sâu sắc với các khán giả. Với kinh nghiệm kinh doanh quốc tế và những tiêu chuẩn khắt khe, ông đã quyết định đầu tư vào một startup với số tiền 2 tỷ đồng, đồng thời cam kết hỗ trợ đưa sản phẩm của startup này đến các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, Shark Tillman Schulz cũng chia sẻ về những khó khăn mà ông gặp phải khi đầu tư tại thị trường Việt Nam. Ông cho biết: "Tôi thích đầu tư vào các ý tưởng kinh doanh, nhưng cuối cùng thì với tư cách nhà đầu tư tôi cần phải mang lại lợi ích cho nhà sáng lập của startup, điều đó có nghĩa là nếu họ cần hỗ trợ các vấn đề nội địa tôi không đủ khả năng để hỗ trợ nên mặc dù một số mô hình kinh doanh và founder tốt tôi vẫn không phải là shark phù hợp. Tôi cần startup có thể hỗ trợ được. Trong khi các startup cần một shark ở tại Việt Nam, đó cũng là điều khó khăn đối với tôi".
Với tư cách là một chuyên gia nhượng quyền hàng đầu, Shark Phi Vân đã đặt ra những tiêu chí vô cùng khắt khe khi đầu tư vào các startup. Mặc dù chỉ có 4 thương vụ thành công với tổng giá trị 8,3 tỷ đồng, nhưng mỗi quyết định đầu tư của bà đều được cân nhắc kỹ lưỡng.
Khi chia sẻ về lý do “chần chừ” trong việc xuống deal, Shark Phi Vân đã nhấn mạnh tầm nhìn toàn cầu của mình: “Khi tham gia Shark Tank, tôi định vị mình là shark Franchise, nghĩa là tìm các mô hình có thể nhượng quyền không chỉ ở Việt Nam mà mở rộng được ra toàn cầu. Để làm được điều đó, startup phải đáp ứng được 3 tiêu chí quan trọng: sản phẩm/dịch vụ độc đáo, mô hình tài chính hiệu quả và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp”.
Bà giải thích thêm: “Muốn tìm được những deal nhượng quyền tốt như vậy thì đầu tiên phải là con người, có 3 điều kiện cơ bản: thứ nhất là điểm độc đáo của sản phẩm, dịch vụ phải rất rõ ràng để mình có thể scale (mở rộng) không chỉ ở thị trường nội địa mà ra thế giới. Mô hình tài chính mang tính đơn vị một chi nhánh phải rất hiệu quả để khi nhượng quyền thu phí thì đối tác của mình vẫn có sự hiệu quả trong việc đầu tư đó, cuối cùng là mức độ chuyên nghiệp quá cao yêu cầu phải là một nhà quản trị xuất sắc, phải xây dựng được hệ thống hỗ trợ đối tác nhượng quyền rất chuyên nghiệp. Với 3 yếu tố này thì khá khó khăn để tìm được một thương hiệu, một mô hình, đội ngũ sáng lập có được yếu tố này để có thể phát triển ra thị trường thế giới”.
Với 5 thương vụ thành công và tổng giá trị đầu tư lên đến 13,6 tỷ đồng, Shark Lê Mỹ Nga đã khẳng định vị thế là một trong những nhà đầu tư "cá mập" hoạt động tích cực nhất trong mùa 7 của Shark Tank Việt Nam.
Chia sẻ về tiêu chí đầu tư của mình, bà Lê Mỹ Nga nhấn mạnh vào tầm quan trọng của đổi mới công nghệ và năng lực nghiên cứu phát triển (R&D): "Đến Shark Tank mùa 7 với tinh thần hỗ trợ và tìm kiếm các giải pháp mà founder có đủ năng lực về ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế sản phẩm, nếu mà không có đủ năng lực để thiết kế và phát triển sản phẩm thì khó mà đứng vững trên thị trường hôm nay nó xanh thì ngày mai đỏ rất là nhanh, rất cạnh tranh, luôn có đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện nên năng lực R&D giúp bạn có thể phát triển bền vững, có thể cạnh tranh mới, đó là năng lực của doanh nghiệp".