Sôi nổi hưởng ứng Tháng công nhân
Tại Hà Nội, UBND thành phố đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tổ chức Hội nghị gặp gỡ đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.Hà Nội với công nhân lao động thủ đô năm 2019.
Vấn đề đời sống, việc làm của NLĐ, tạo điều kiện để NLĐ được mua nhà ở xã hội, quản lý giá điện tại các khu nhà trọ công nhân lao động hay những vướng mắc về giá thuê, diện tích phòng chưa phù hợp… được nhiều công nhân lao động kiến nghị với người đứng đầu thành phố.
Công nhân nêu kiến nghị tại buổi đối thoại |
Trước những phản ánh của NLĐ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, những phản ánh này hoàn toàn đúng, đồng thời đề nghị Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN), chế xuất Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội rà soát nhu cầu của công nhân để điều chỉnh về giá, về diện tích nhà, đáp ứng nguyện vọng của công nhân.
Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã có buổi đối thoại trực tiếp với NLĐ. Tại buổi đối thoại, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến quyền lợi và khúc mắc của công nhân lao động như: Tình trạng nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ, thiếu các khu nhà ở, nhà mẫu giáo, thiết chế văn hóa cho công nhân lao động…
Trả lời các ý kiến của công nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, các sở, ban, ngành và những đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên những doanh nghiệp nợ nhiều, nợ đọng… và các chế độ phúc lợi. Qua đó, xử phạt nặng những đơn vị không bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Thành phố Hải Phòng cũng vừa tổ chức Hội thi kiến thức cho công nhân nhà trọ. Hải Phòng hiện có 13 KCN với 288 doanh nghiệp và gần 120.000 lao động, tỷ lệ lao động nhập cư tại các KCN là 18,4%. Tỷ lệ này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy, theo ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, hội thi nhằm góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp công nhân nhập cư tự biết bảo vệ quyền của mình; tạo mối quan hệ gắn bó, thân thiện giữa công nhân nhập cư với nhau và với người dân địa phương, từ đó giúp công nhân nhập cư hòa nhập tốt hơn với cuộc sống tại địa phương. Đúng như chủ đề của Tháng công nhân năm 2019 "Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên", năm nay, lần đầu tiên tại tỉnh Hà Nam vừa diễn ra Phiên chợ công nhân có quy mô gần 70 gian hàng, với các loại hàng bình ổn thị trường như: Thực phẩm, thực phẩm chế biến, nông - thủy - hải sản; sản phẩm may mặc, hàng gia dụng và nhóm ngành hàng dịch vụ: Viễn thông, y tế; du lịch, dịch vụ gia đình, các mặt hàng truyền thống của địa phương...
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay, phiên chợ là đầu mối cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý cho công nhân lao động. Đây cũng là mô hình khẳng định sự đồng hành của tổ chức công đoàn với NLĐ, luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ. Bên cạnh đó, chương trình còn giúp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu của các doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe phản hồi của NLĐ đối với nhu cầu sản phẩm hàng hóa phù hợp với công nhân lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nhân rộng các phiên chợ công nhân, coi đây là hoạt động thường xuyên, không chỉ ở cấp tỉnh, mà còn ở cấp huyện, địa phương, cấp ngành, để công nhân được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa giá rẻ và đảm bảo chất lượng. |