Sóc Trăng: 260.000 học sinh rộn ràng chào đón năm học mới
Trong không khí tưng bừng của ngày khai giảng, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã có mặt tại nhiều trường học trên địa bàn, từ thành phố đến các huyện, xã.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, dự khai giảng cùng thầy cô và học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương; ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh, dự khai giảng tại Trường THPT Hoàng Diệu; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, dự khai giảng tại Trường THCS & THPT Khánh Hòa (thị xã Vĩnh Châu)...
Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trao bảng tượng trưng học bổng cho học sinh Trường THPT Hoàng Diệu. Ảnh: STO |
Phát biểu tại các buổi lễ khai giảng, các lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bên cạnh đó, các lãnh đạo tỉnh cũng gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm học 2024 - 2025, trên địa bàn tỉnh có 475 trường (458 trường công lập, 17 trường ngoài công lập). Trong đó, cấp trung học phổ thông có 40 trường (39 trường công lập, 1 trường ngoài công lập); cấp trung học cơ sở có 108 trường (106 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); cấp tiểu học có 197 trường (195 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); bậc học mầm non - mẫu giáo có 130 trường (118 trường công lập, 12 trường ngoài công lập). So với năm học 2023 - 2024, năm học này giảm 4 trường.
Bà Hồ Thị Cẩm Đào - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: STO |
Năm học 2024 - 2025 là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Bên cạnh việc hoàn thành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, năm học này cũng đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện nhiều nghị quyết quan trọng. Chính vì vậy, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết, từ việc rà soát cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên đến việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học.
Cụ thể, về cơ sở vật chất, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Sóc Trăng đã bố trí vốn trung hạn để đầu tư cho các cơ sở giáo dục với tổng số vốn là 2.800 tỷ đồng (2.300 tỷ đồng xây dựng công trình, 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị dạy học). Ngoài ra, tỉnh còn bố trí 357 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11 và 12. Trong năm 2023 và 2024, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 3.500 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên cho giáo dục (chiếm tỷ lệ 39,3% tổng chi thường xuyên của ngân sách tỉnh).
Bên cạnh đó, tỉnh đã bố trí ngân sách để đảm bảo hoạt động giáo dục và thực hiện tốt các chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, như chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện chính sách. Ngân sách cũng được phân bổ để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng có 17.452 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên (gồm 1.051 cán bộ quản lý và 14.145 giáo viên). Hiện nay, 100% cán bộ quản lý trong ngành đạt trình độ chuẩn, trong đó có 36,5% trên chuẩn; 92,69% giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, còn lại 7,31% giáo viên chưa đạt chuẩn.
Mục tiêu của năm học 2024 - 2025 mà ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đặt ra và phấn đấu là nâng cao chất lượng giáo dục ngang tầm khu vực, tiếp tục nâng cao kết quả học sinh giỏi quốc gia và duy trì tỷ lệ tốt nghiệp ổn định.