Vừa trở về Côn Đảo sau chuyến đi Hà Nội tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024, cô giáo Dương Diệu Phương vội vã trở lại công việc. Niềm vui xen lẫn tự hào vẫn còn hiện rõ trên gương mặt của cô giáo trẻ, nhưng ý thức, trách nhiệm không cho phép cô ngơi nghỉ ngày nào.
Khi ánh bình minh trải lên những con sóng bạc đầu, cô giáo trẻ đã sửa soạn lên bục giảng - nơi lớp học "mặn chát" giọt mồ hôi của gió biển, nơi có những ánh mắt trẻ thơ khát khao "ánh sáng tri thức".
Gần 5 năm trước, khi vừa tốt nghiệp đại học, cô Phương đã quyết định rời quê hương Kiên Giang đến Côn Đảo để làm việc… Khi chia sẻ dự định này với gia đình và người thân, cô giáo trẻ nhận về nhiều lời phản đối và thậm chí cả những lời ra, tiếng vào tiêu cực, nhưng chính sự nhiệt huyết của cô đã thuyết phục gia đình cùng những người xung quanh ủng hộ quyết định táo bạo ấy.
|
Nhớ mãi kỷ niệm trong "cuộc đời cầm phấn" của mình, cô Phương kể: "Cả đêm trước ngày khai giảng đầu tiên ở đảo, tôi thấp thỏm không ngủ được. Được dạy học ở Côn Đảo với tôi là niềm khát vọng. Tôi nghĩ được "gieo chữ" nơi hải đảo của Tổ quốc là vinh dự lớn lao".
Cô Phương cho biết, là mảnh đất đặc biệt ở vùng Đông Nam của Tổ quốc, một thời gắn với tên gọi là "địa ngục trần gian", nhưng Côn Đảo hôm nay đã có nhiều đổi thay. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của nhân dân nên giờ đây cuộc sống trên đảo đã tốt hơn rất nhiều.
Ngôi trường tiểu học Cao Văn Ngọc nơi cô Phương dạy, phóng tầm mắt ra là màu xanh óng ánh của biển trời Đông Nam Tổ quốc. Nơi chân đảo là các nhà bè nuôi cá, cũng là nơi các em học sinh ở đây đang sinh sống.
Ở Côn Đảo chỉ có duy nhất một trường tiểu học với 2 cơ sở. Học sinh của cô Phương không giống như ở nơi khác, các em đều là con của những lao động phổ thông, phần lớn làm nghề đi biển hoặc làm thuê. Cuộc sống mưu sinh của cha mẹ khiến việc học hành của các em gần như bị bỏ ngỏ.
Không ít lần, cô Phương nhìn thấy nỗi buồn ánh lên trong đôi mắt trẻ thơ khi kể về những lần cha mẹ không đến dự họp phụ huynh. Đặc biệt, do tính chất công việc, nhiều gia đình chỉ lưu lại đảo trong thời gian ngắn rồi chuyển đi, khiến lớp học của cô không ổn định.
Cô thường xuyên đón những học sinh mới và phải tạm biệt những em rời đi. "Cảm giác như cầm nắm cát biển, không giữ được trọn vẹn", cô Phương nói.
Không những thế, trong lớp học nhỏ bé của mình, cô Phương còn có những em học sinh đặc biệt, chậm phát triển. Các em gặp khó khăn trong việc theo kịp bạn bè, cần rất nhiều sự quan tâm và kiên nhẫn. Đối với một cô giáo trẻ như Phương, đây vừa là thử thách vừa là động lực để bản thân cố gắng hơn mỗi ngày.
Tuy tuổi đời còn khá trẻ, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ và tinh thần ham học hỏi, từ những ngày đầu mới ra trường, với trăn trở, suy nghĩ về hình ảnh người thầy mẫu mực trong mắt học trò, cô Phương đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô đi trước, tích cực tham gia các đợt hội giảng, dự giờ đồng nghiệp để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Cô nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào do nhà trường và các cấp phát động...
Bằng tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết, cô giáo trẻ luôn tìm cách để sáng tạo trong việc giảng dạy, giúp từng em học sinh cảm nhận được niềm vui khi đến lớp.
Bậc tiểu học là cột mốc quan trọng trong quá trình học tập suốt đời của trẻ. So với chương trình cũ, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến sự phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, do đó cô Phương luôn tận tâm trong từng bài giảng. Từ việc thiết kế các trò chơi học tập, làm đồ dùng dạy học thủ công... đến việc hướng dẫn từng bước nhỏ cho các em học sinh đặc biệt luôn được cô kiên nhẫn, chăm chút...
Trong năm học 2021 - 2022, cô đã hoàn thành sáng kiến "Một số biện pháp giúp học sinh phát huy tính tích cực trong các hoạt động học tập". Nhờ việc áp dụng các giải pháp này vào thực tiễn giảng dạy, học sinh trong lớp của cô Phương đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là tình trạng học sinh đọc chậm, viết chậm đã được cải thiện. Sau đó, sáng kiến này đã được các cấp công nhận, đưa vào áp dụng thực tiễn tại trường và thực tế là đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Không chỉ dừng lại ở một công trình nghiên cứu, đây còn là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của cô trong việc kiến tạo một môi trường học tập sôi động và hiệu quả, nơi mỗi học sinh đều được truyền cảm hứng và phát triển toàn diện.
Sinh sống và làm việc ở Côn Đảo, cách xa đất liền, xa gia đình, người thân... nhưng mỗi ngày cô giáo trẻ lại thấy hân hoan khi thấy những em nhỏ chậm phát triển có những tiến bộ đáng kể. Những học sinh từng bẽn lẽn, không muốn đến trường nay đã tự tin giơ tay phát biểu, hào hứng tham gia các hoạt động. Hân hoan khi những trò bày tỏ với ước mơ trở thành bộ đội vì con rất ngưỡng mộ các chú canh gác tại biển đảo, giúp cho các con có cuộc sống bình yên.
5 năm cống hiến nơi đảo xa, cô Phương vẫn nhớ như in vào những ngày lễ các em học sinh trên đảo động viên cô bằng những lời chúc kẹp lên trang sách đặt ở bàn giáo viên. Nét chữ nắn nót "... mong cô đừng xa chúng em, chúc cô có thêm nhiều đóng góp nữa", khiến cô Phương hết sức xúc động. Chính những điều giản dị đó lại càng làm cho tình cảm cô và trò xích lại gần nhau hơn, giúp cô giáo trẻ có thêm động lực để phấn đấu hơn nữa bên các học trò nhỏ.
"Điều tôi quan niệm là mình sống như thế nào để có thể góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình cho quê hương, đất nước. Đem lại không chỉ tri thức cho học trò mà còn phải đem đến cho các em niềm vui, niềm hy vọng trong cuộc sống hàng ngày.
Nhìn những ánh mắt trẻ thơ trong veo cùng tiếng đọc chữ, đánh vần trong tiếng sóng biển rì rào... tôi không mong mình làm được điều gì lớn lao, chỉ hy vọng những bài học hôm nay sẽ là hành trang nhỏ giúp các em vững bước hơn trên con đường tương lai", cô Phương tâm sự.
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Dương Diệu Phương là một trong 60 giáo viên được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Nói về mục tiêu, dự định trong tương lai, cô giáo trẻ cho biết, bản thân sẽ luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, phấn đấu trở thành người giáo viên tiêu biểu, tấm gương về đạo đức để các em học sinh noi theo.
Côn Đảo những ngày này nắng vàng như rót mật... Trong lớp học, tủ sách không thiếu các loại sách bổ trợ, tham khảo để giúp các em bồi đắp thêm kiến thức về cuộc sống. Ngoài sân, dưới bóng cây rợp mát, khu vui chơi với xích đu, cầu trượt, đu quay.... khiến cho tuổi thơ của các em ở huyện đảo xa xôi bớt đi phần nào thiệt thòi.
Nhìn những đứa trẻ hạnh phúc mỗi ngày đến lớp học, mới thấy sự cống hiến của những "người đưa đò" nơi đây vô cùng giá trị. Không chỉ đơn thuần mang kiến thức phổ cập giáo dục cho các em nhỏ, trong những buổi trà chiều, những ngày sinh hoạt tập thể chung, những tâm huyết của cô Phương, cũng như bao thầy cô nơi hải đảo này đang ngày đêm đồng hành cùng gia đình rèn giũa con là điều bất kỳ cha mẹ nào cũng mong mỏi. Để mai này các con về đất liền, hành trang kiến thức ấy sẽ giúp các con hòa nhập được với môi trường mới...
Bài 1: "Ngọn hải đăng" nơi đảo nhỏ
Bài 2: Cô giáo 20 năm "trồng người" nơi sóng nước cực Nam Tổ quốc