Thu hồi dự án KCN thuộc Tập đoàn Tân Tạo Tân Tạo (ITA): Cổ phiếu có khả năng rơi vào diện kiểm soát |
Những lời giải thích của phía Công ty Tân Tạo về khoản tiền tạm ứng gần 2.000 tỉ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn chưa khiến nhà đầu tư yên lòng. Ảnh: ITA |
Cụ thể, phía Công ty Tân Tạo cho hay nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2019, 2020, 2021 và năm 2022 đã thông qua và ủy quyền cho hội đồng quản trị (Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến - a.k.a Maya Dangelas đại diện) ra các quyết định hợp tác, liên doanh dự án "Khu dược phẩm công nghệ cao và kính thông minh". Khoản ủy thác đầu tư này tính tới 30/6/2022 là 1.335 tỉ đồng, phải hạch toán vào "đầu tư khác" nhưng kế toán hạch toán nhầm vào "phải thu khác", dẫn đến nợ phải thu của bà Đặng Thị Hoàng Yến tăng, trong khi thực chất đây là khoản ủy thác đầu tư theo như nghị quyết đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Ngoài ra, nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2022 đã thống nhất về việc bảo vệ lợi ích của các cổ đông từ rủi ro của dự án điện Kiên Lương do Công ty CP Phát triển năng lượng Tân Tạo (TEDC) đầu tư (bị loại khỏi quy hoạch điện, ngừng đầu tư, nguy cơ mất trắng 1.655 tỉ đã góp vốn). Trong đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến đồng ý nhận trách nhiệm chuyển nhượng 20,69% cổ phần Công ty Tân Tạo nắm giữ tại TEDC tương đương số tiền 1.655 tỉ đồng. Tính tới 30/6/2022, công tác chuyển nhượng đã hoàn tất. Bà Yến đã thanh toán cho Tân Tạo số tiền 1.022 tỉ đồng, khoản phải thanh toán còn lại là 633 tỉ đồng. Như vậy khoản "phải thu" bà Yến phát sinh là do khoản chuyển nhượng cổ phần nói trên.
Trước đó, dư luận xôn xao về việc Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo sửa số tiền tạm ứng chuyển cho vị chủ tịch đang sống ở nước ngoài từ 1.973 tỉ đồng xuống 633 tỉ đồng. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là tiền mặt ở đâu để doanh nghiệp chuyển? Cụ thể, sau khi Công ty Tân Tạo công bố Báo cáo tài chính quý II/2022, bên cạnh mức lợi nhuận tăng đột biến thì việc công ty chi tạm ứng số tiền gần 2.000 tỉ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty là điểm đáng chú ý trong quý vừa qua.
Trên bảng cân đối kế toán, giá trị khoản mục các khoản phải thu của Công ty Tân Tạo tại ngày 30/6/2022 ghi nhận gần 9.946 tỉ đồng, gấp đôi đầu năm. Trong đó, công ty đã hạch toán chi tạm ứng số tiền 1.937 tỉ đồng cho Chủ tịch Hội đồng quản trị - bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) với mục đích tham gia dự án tại Mỹ. Sau khi nhiều đơn vị truyền thông đưa tin về việc Công ty Tân Tạo cho Chủ tịch là bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) tạm ứng số tiền gần bằng 15% tổng tài sản, vào ngày 5/8, Công ty Tân Tạo đã đính chính Báo cáo tài chính quý II/2022 với số tiền tạm ứng chỉ bằng 1/3 báo cáo trước đó.
Liên quan đến những mập mờ về thông tin của báo cáo tài chính, cổ phiếu ITA của Công ty Tân Tạo đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 6/9. Nguyên nhân được Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đưa ra là do công ty đã vi phạm quy định về công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm theo Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của HoSE.
Trước đó, sau những ồn ào liên quan con số nhảy múa trong báo cáo tài chính quý II/2022, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đến cổ đông và đảm bảo minh bạch trên thị trường chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã 3 lần gửi công văn (vào các ngày 10, 16 và 19/8) yêu cầu Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) giải trình gấp về việc điều chỉnh báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022. Tuy nhiên, công ty này liên tục trì hoãn.
Không những thế, vì chậm trễ công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 theo quy định, nên HoSE đã cho biết khả năng cổ phiếu ITA sẽ bị nâng mức phạt cao hơn, từ diện cảnh cáo sang diện kiểm soát, nếu doanh nghiệp không cải thiện tình hình.
Chính động thái trên cùng với việc những lời giải trình này khó làm yên lòng những cổ đông của ITA. Nhiều trong các cổ đông này đã “dứt áo ra đi” và kéo giá cổ phiếu ITA giảm hơn 30% trong hơn 1 tuần qua và vẫn đang tiếp tục giảm. Hiện nay giá cổ phiếu này chỉ còn là 5.800 đồng/cổ phiếu (mức giá trong phiên giao dịch sáng 14/9).