Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Nguồn cung gạo Tết ổn định, đảm bảo giá bình ổn
Cung - cầu thế giới biến động mạnh
Theo nhận định của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, tình hình thị trường, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu diễn biến rất phức tạp, nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đầu tiên là hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine bị gián đoạn, trong khi nước này chiếm 10% thị trường lúa mì thế giới, 15% ngô và 13% lúa mạch. Cùng với đó hàng loạt quốc gia lần lượt áp lệnh cấm xuất khẩu lương thực như: Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng, lúa mì, đường; Nga cấm xuất khẩu gạovà lúa mì; Thổ Nhĩ Kỳ (ngũ cốc), Kyrgyzstan (ngũ cốc)… Bên cạnh đó, mùa màng tại Pakistan không thuận lợi, Thái Lan khuyến khích người dân giảm trồng lúa…
Giá gạo thời gian qua biến động mạnh do tác động từ thị trường thế giới |
Những diễn biến trên của thị trường lương thực toàn cầu đã ảnh hưởng tới giá lương thực, cụ thể là mặt hàng gạo. Theo đó, kể từ thời điểm cuối tháng 7/2023 tới nay giá gạo thế giới đã liên tục tăng mạnh, kéo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 40%. Ghi nhận số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm hiện ở mức 658 USD/tấn (tăng khoảng 40% so với hồi đầu năm), loại 25% tấm cũng tăng trên 41% và có giá ở mức 643 USD/tấn.
“Tình hình trên đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu gạo, có lợi cho người nông dân. Cụ thể là Việt Nam đã lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng năm 2023, con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới”- đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cũng đặt ra thách thức lớn đối với nhiệm vụ bình ổn thị trường nội địa và ở TP. Hồ Chí Minh. Theo ghi nhận của phóng viên, giá nhiều loại gạo bán lẻ đã tăng khoảng 1.000-3.000 đồng/kg so với hồi đầu năm.
Chủ động nguồn cung, bình ổn giá
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trước những biến động trên thị trường gạo, Thành phố đã sớm chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi sát sao diễn biến này. Bởi lẽ giá tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm cũng như Tết Nguyên đán.
Theo đó, Sở Công Thương đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu gạo cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng, khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu khác.
Ông Phương cho biết, để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành. “Có thêm một doanh nghiệp kinh doanh gạo quy mô lớn là Tập đoàn Lộc Trời đã đăng ký tham gia đồng hành cùng thành phố trong thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường. Đơn vị này cam kết cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống, giá cả hợp lý, gạo không chất bảo quản, chất lượng an toàn”- đại diện của Sở Công Thương cho biết.
Riêng với những doanh nghiệp đã có kế hoạch tham gia bình ổn mặt hàng gạo từ trước đó cũng khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, giá cả đảm bảo không tăng.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op thông tin về chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường |
Cụ thể, thông tin tại buổi họp với báo chí chiều ngày 14/12, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Saigon Co.op đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ giữa năm 2023 với mức tăng từ 20-50% so với tháng thường.
Cũng theo ông Lê Trường Sơn, trong thời gian qua một số nhà cung cấp của Saigon Co.op đã gửi đề nghị tăng giá do kinh doanh khó khăn, chi phí đầu vào tăng; tuy nhiên Saigon Co.op vẫn chủ trương chính sách giữ giá, yêu cầu nhà cung cấp phải chứng minh lô hàng do ảnh hưởng trực tiếp của chi phí đầu vào thì mới xem xét điều chỉnh giá trong biên độ nhất định (trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng).
Không chỉ thực hiện bình ổn giá gạo, nhà bán lẻ này còn cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện các hoạt động giảm giá luân phiên, trong đó có mặt hàng gạo để chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng.
Được biết, Saigon Co.op thực hiện bình ổn 2 mặt hàng gạo gồm gạo trắng thường và gạo trắng thơm. Trong đó, tháng thường dự trữ 1.270 tấn và tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng dịp Tết 2024. Bên cạnh đó, gạo Co.op Happy (hàng nhãn riêng của Saigon Co.op) tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng đảm bảo giá phù hợp.
Với sự chuẩn bị như trên, Sở Công Thương khẳng định: Thị trường gạo trên địa bàn Thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.