Thứ tư 27/11/2024 12:00

Sinh viên quốc tế hào hứng trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều sinh viên quốc tế rất thích thú và ấn tượng khi có cơ hội trải nghiệm nét văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam.

Thích thú khi được mặc áo dài, nhận lì xì, thưởng thức các món ăn truyền thống và đặc biệt là cảm thấy gần gũi khi được hòa mình vào không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy là những cảm nhận chung của các lưu học sinh khi trải nghiệm Tết cổ truyền của Việt Nam.

Các sinh viên quốc tế Trường Đại học Ngoại thương háo hức khi được mặc áo dài và trải nghiệm Tết truyền thống của người Việt. (Ảnh: PV)

Đậm chất văn hóa Việt

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 45.000 lưu học sinh đến từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong dịp Tết Quý Mão 2023, các trường đại học đã tổ chức nhiều hoạt động để sinh viên các nước có cơ hội trải nghiệm Tết Nguyên đán cổ truyền với rất nhiều hoạt động mang đậm chất văn hóa Việt như xin chữ ông đồ, bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, cắm hoa, trò chơi dân gian và các món ăn truyền thống. Những mô hình không gian truyền thống của người Việt như giếng khơi, mái đình, không gian gia đình với tủ và bàn ghế gỗ cũng được tái hiện mô phỏng.

Vừa đặt chân đến Việt Nam được hai ngày, Son, học viên thạc sỹ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Ngoại thương vô cùng bất ngờ khi được tham dự trải nghiệm Tết do trường tổ chức. Son cho hay em đã đến Việt Nam hai lần nhưng đều là đi du lịch với bạn bè. Đây là lần đầu tiên chàng trai người Đức này được biết đến văn hóa Tết của người Việt.

Son và các bạn sinh viên Hàn Quốc chăm chú quan sát người hướng dẫn để thực hành gói bánh chưng. (Ảnh: PV)

Đặt chiếc lá dong xanh xuống chiếu, Son chăm chú theo dõi người hướng dẫn và vụng về đổ gạo, đỗ xanh, thịt, tiếp tục phủ đỗ xanh, gạo lên trên, lúng túng gập lá dong lại rồi loay hoay mãi với chiếc lạt buộc. “Lần đầu tiên trong đời em được gói bánh chưng, thật thú vị nhưng khó quá,” Son cười tươi nói.

Tỏ ra khéo tay hơn, cô bạn người Hàn Quốc Park Hyeju ngồi bên cạnh vội quay sang giúp Son buộc lạt bánh. Cũng giống như Son, đây là lần đầu Park Hyeju được trải nghiệm Tết Việt. Hào hứng khoe chiếc bánh chưng tự tay mình gói rất vuông vắn, Park Hyeju vui vẻ cho biết em rất háo hức chờ tới khi bánh chín vì chưa từng được ăn bánh chưng.

Son lúng túng buộc lạt bánh chưng với sự giúp sức của cô bạn người Hàn Quốc Park Hyeju. (Ảnh: PV)

“Em rất thích không khí Tết của Việt Nam vì đậm tính văn hóa truyền thống. Các món ăn đều rất ngon. Em cũng rất vui vì hôm nay được mặc áo dài,” Park Hyeju chia sẻ.

Tỏ ra hào hứng không kém, Son cho biết em thích nhất trò chơi ô ăn quan và thưởng thức các món ăn đậm hương vị Việt. “Ẩm thực của Việt Nam là ngon nhất châu Á. Áo dài cũng rất đẹp, em chắc chắn sẽ phải mua một bộ mang về Đức,” Son háo hức.

Ấn tượng với các món ăn Tết truyền thống của người Việt cũng là chia sẻ của Giannella Bajon, du học sinh người Venezuela, sinh viên Đại học Hà Nội. Giannella Bajon cho biết hai món em thường được mời khi đến chơi nhà bạn bè dịp Tết là bánh chưng và nem. Các món ăn đều rất ngon và thơm.

Son và các bạn hào hứng khoe thành quả. (Ảnh: PV)

Đã sống ở Việt Nam được 5 năm và hai lần ăn Tết Việt, với Joshua Wilkinson, sinh viên người Anh, Đại học Hà Nội, mỗi dịp hội Xuân là cơ hội để em tìm hiểu về nét văn hóa Tết của người Việt. “Và thật vui hơn nữa là em nhận được lì xì,” Joshua Wilkinson cười tươi nói.

Tết đoàn kết, yêu thương

Háo hức trải nghiệm từ gói bánh chưng đến chơi trò chơi dân gian, nếm thử các món ăn, Son cho biết ấn tượng của em khi trải nghiệm Tết Việt không chỉ ở đồ ăn ngon, ở món bánh chưng truyền thống, mà còn ở sự ấm cúng, đoàn kết, yêu thương mà em có thể cảm nhận rất rõ dù mình mới đến Đại học Ngoại thương được đúng hai ngày.

“Mọi người đều rất thân thiện, hòa đồng. Ai cũng cười tươi và sẵn sàng giao lưu, chia sẻ. Em thật sự thấy rất vui,” Son chia sẻ.

Phonemany Savanh (bên trái) cùng bạn thích thú khi chụp ảnh với tạo hình không gian gia đình truyền thống trong ngày Tết của người Việt. (Ảnh: PV)

Đã ở Việt Nam ba năm và có hai lần đón Tết Việt, Phonemany Savanh, sinh viên ngành Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương cho hay với em, Đại học Ngoại thương đã trở thành ngôi nhà thứ hai và Tết Việt cũng thân thương như Tết truyền thống của Lào - quê hương em.

“Ở Lào, mọi người cũng gói bánh từ gạo nếp, cũng đi chùa, cũng quây quần sum vầy bên nhau trong những ngày Tết và cầu cho một năm mới mạnh khỏe, bình an. Vì thế, được tham gia các hoạt động trải nghiệm Tết Việt không chỉ giúp em tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Việt Nam mà còn giúp những sinh viên quốc tế như em vơi đi nỗi nhớ nhà,” Phonemany Savanh xúc động nói.

Sinh viên quốc tế Trường Đại học Hà Nội thích thú với trải nghiệm chờ tới lượt xin chữ ông đồ, nét đẹp văn hóa truyền thống đầu năm mới của người Việt. (Ảnh: PV)

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, giúp các sinh viên quốc tế vơi đi nỗi nhớ nhà, sự bỡ ngỡ khi phải hòa nhập vào môi trường văn hóa mới cũng điều nhà trường hướng đến khi tổ chức trải nghiệm Tết Việt cho các em. Đây là cơ hội để các em được tìm hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống của người Việt và cũng là dịp để các em cảm nhận được sự thân thiện, đoàn kết, yêu thương của người Việt khi Tết là để đoàn tụ, gắn kết, sum vầy.

Với Trường Đại học Hà Nội, nơi quy tụ khoảng 500 sinh viên đến từ 30 quốc gia khác nhau, trải nghiệm Tết cho sinh viên quốc tế đã trở thành hoạt động thường niên. Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội xúc động chia sẻ: “Hy vọng những trải nghiệm về phong tục ngày Tết của Việt Nam sẽ giúp mỗi sinh viên quốc tế cảm thấy ấm lòng, cũng như thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, qua những chương trình này, sinh viên quốc tế sẽ trở nên gắn kết với nhau hơn và trở thành những chiếc cầu nối giữa những nền văn hóa trên thế giới”./.

www.vietnamplus.vn
Bài viết cùng chủ đề: trải nghiệm Tết Việt

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là Di sản tư liệu thế giới

Thừa Thiên Huế: Công nhận Tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản văn hoá phi vật thể

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thị trường đồ trang trí Noel 2024: Đa dạng mẫu mã, không biến động giá

Cà Mau: Khai mạc Hội đua vỏ lãi tại thị trấn biển lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị tri thức trong đời sống

Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Cà Mau: Khánh thành công trình xây dựng Cụm Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954

Hội thảo '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'

Sắp diễn ra triển lãm tranh 'Tôi vẽ Hà Nội' và sự thăng hoa ngành công nghiệp văn hóa đương đại

Họa sĩ Quỳnh Thơm: Kết nối giá trị văn hóa truyền thống giữa dòng chảy đương đại

Sắp diễn ra Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024

Hà Nội nên có thêm Phố “Hàng Phở” hoặc Phố “Phở Gánh”

Phú Thọ: Tu bổ di tích Đình Hội

Phát huy nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Ra mắt cuốn sách ‘Logistics - Hành trình khát vọng’

Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Tối nay (7/11): Khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Quảng Nam: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trác

Mãn nhãn với những tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai, Gia Lai