Sẽ ứng dụng công nghệ nhận biết tên tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để chống cuộc gọi lừa đảo
Trong thời gian tới, một số cơ quan quản lý sẽ thí điểm định danh số điện thoại nhằm hạn chế tình trạng mạo danh để lừa đảo.
Ảnh minh họa |
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuẩn bị áp dụng thêm một công nghệ mới giúp người dân có thể nhận diện cuộc gọi tới từ tổ chức, đơn vị nào. Từ đó, người dân chủ động quyết định việc bắt máy, từ chối hay là ngăn chặn, qua đó hạn chế cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Giải pháp được đưa ra đó là ứng dụng công nghệ Voice Brandname. Đây là công nghệ cho phép hiển thị tên tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên thiết bị điện thoại khi có cuộc gọi đến mà người dân không cần phải lưu danh bạ trước đó. Với công nghệ này, các cuộc gọi sẽ được định danh để người dùng lựa chọn và hạn chế tình trạng giả mạo qua mạng viễn thông…
Trước tình trạng cuộc gọi lừa đảo, mạo danh các cơ quan nhà nước trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trước hết sẽ tập trung cho việc định danh số điện thoại của Bộ khi liên lạc với người dân, doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các nhà mạng công bố việc định danh số điện thoại hiện chữ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sau khi triển khai thí điểm có hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các Bộ, ngành khác triển khai như Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng.
Thời gian vừa qua, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về việc nhận được các cuộc gọi giả mạo. Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại này.
Để khiến người dùng “sập bẫy”, đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo này chủ yếu đánh lòng tham hoặc nỗi sợ hãi. Các đối tượng xấu sử dụng nhiều kịch bản để lừa đảo, phổ biến như giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ nghiêm trọng như buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia...
Khi nạn nhân nói rằng mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của mình.
Trước tình trạng nhiều người dân bị các đối tượng mạo danh lừa đảo qua điện thoại, chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đưa ra khuyến cáo, người dân cần lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.