Schneider Electric trình làng các giải pháp đổi mới sáng tạo
Schneider Electric - tập đoàn toàn cầu về chuyển đổi số trong quản lý năng lượng và tự động hóa vừa công bố những phát triển mới nhất về tự động hóa, số hóa và điện hóa nhằm thúc đẩy quá trình khử carbon, cách mạng hóa cơ sở hạ tầng AI và chuyển đổi hệ thống quản lý năng lượng tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Innovation Summit Vietnam 2024).
Khách tham quan tại Hội Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Ảnh BTC). |
Các giải pháp đổi mới sáng tạo bao gồm nền tảng trí tuệ công nghiệp toàn diện, độc lập, giúp hợp nhất toàn bộ hệ sinh thái của doanh nghiệp từ phần mềm, ứng dụng đến số liệu. Thiết bị đóng cắt MasterPacT MTZ Active, một máy cắt không khí mới nhất của Schneider Electric với dòng định mức 630A-6300A, giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải carbon.
Ngoài ra, Schneider Electric cũng giới thiệu thêm một số giải pháp đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp như EcoStruxure Machine Expert Twin, tiết kiệm 20% chi phí kiểm định chất lượng và rút ngắn 60% thời gian vận hành thử, cùng với robot cộng tác có thiết kế nhỏ gọn.
Bà Chris Leong, Phó Chủ tịch Tập đoàn, Phụ trách Marketing Toàn cầu của Schneider Electric (Ảnh: BTC). |
Trong lĩnh vực quản lý năng lượng gia đình, ngoài hệ thống sạc xe điện EV prolink DC, AC, một sự cải tiến vượt bậc khác giúp nâng cấp an toàn điện cho ngôi nhà đó là cầu dao chống quá tải kết hợp chống dòng rò Easy9 Slim RCBO…
Theo bà Chris Leong - Phó Chủ tịch Tập đoàn, Phụ trách Marketing Toàn cầu của Schneider Electric, “Với 5 xu hướng lớn tất yếu, chiến lược phát triển của Schneider Electric sẽ tập trung vào việc chuyển đổi tập đoàn trở thành lãnh đạo về công nghệ trong công nghiệp. Trung tâm dữ liệu, Tòa nhà, Công nghiệp, Cơ sở hạ tầng là 4 lĩnh vực chính được đánh giá có tác động lớn đến việc giảm phát thải carbon mà chúng tôi đầu tư hỗ trợ trong tương lai nhằm đẩy nhanh lộ trình đạt mục tiêu Net Zero 2050”.
Trong khuôn khổ hội nghị Đổi mới sáng tạo 2024 diễn ra Hội thảo với chủ đề “Nền Kinh tế carbon thấp và sự chuyển đổi tại Việt Nam” dưới sự điều phối của EuroCham, các diễn giả đã cho thấy một bức tranh tổng quan về sự nỗ lực chuyển đổi từ Chính phủ đến các doanh nghiệp từ một nền kinh tế nâu sang xanh, giảm phát thải carbon cũng như những thách thức mà Chính phủ và các doanh nghiệp đang phải đối mặt để tìm ra các giải pháp vượt qua.
Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Ảnh BTC). |
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết : “Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu để thúc đẩy nền kinh tế. Trong năm 2020, Việt Nam đã ban hành những quy định cụ thể về lộ trình và các biện pháp để hướng tới việc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững. Đặc biệt, sau Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng không. Kể từ đó, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đang tích cực xây dựng lộ trình và ban hành các chính sách pháp luật liên quan để thực hiện cam kết này."
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, thách thức lớn hiện nay trong việc xây dựng nền kinh tế carbon thấp, bao gồm quản trị, công nghệ và tài chính.
Về vấn đề công nghệ, việc tự chủ công nghệ là vấn đề rất lớn, các chính sách chuyển giao, tiếp thu công nghệ để hướng tới tự chủ công nghệ; và vấn đề tài chính, việc chuyển đổi xanh cần nguồn vốn khổng lồ, vì vậy đây là thách thức.
“Vấn đề tự chủ công nghệ hiện nay là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Bên cạnh việc khuyến khích chuyển giao công nghệ và tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nước ngoài, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ nội địa. Điều này không chỉ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc ứng phó với những biến động của thị trường toàn cầu mà còn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, mang thương hiệu Việt Nam”, ông Thi nhấn mạnh về tầm quan trọng của tự chủ công nghệ.
Liên quan tới tài chính, ông Jason Yeo, Giám đốc cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững tại Ngân hàng UOB Việt Nam nhấn mạnh: “Ngân hàng đang nỗ lực đưa ra cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển bền vững của khách hàng, đối tác. Khách hàng đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi, đưa ra các gói tín dụng xanh hỗ trợ khách hàng chuyển đổi xanh giúp khách hàng đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải, năng lượng và phát triển các chính sách tín dụng xanh thuận lợi nhất cho khách hàng”.