Khung chỉ số đề xuất năm lĩnh vực tác động đến môi trường, bao gồm những chỉ số chính thuộc các giai đoạn khác nhau trong hành trình phát triển bền vững của các nhà điều hành TTDL. Dựa trên khung chỉ số trên, các nhà khai thác có thể giảm thiểu tác động của các TTDL đối với môi trường.
Có thể nói, TTDL là nền tảng của thời đại kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc vận hành TTDL hiện nay dẫn đến hai phần trăm lượng khí thải carbon của thế giới, tương đương với lượng khí thải của ngành hàng không. Do đó, để đối phó với sự gia tăng băng thông kỹ thuật số và nhu cầu điện trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), ngành công nghiệp TTDL đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và tiêu chuẩn hóa nhằm đảm bảo sự bền vững của môi trường.
Ông Pankaj Sharma - Phó Chủ tịch cấp cao Bộ phận Secure Power của Schneider Electric - chia sẻ: “Báo cáo phát triển bền vững ngày càng được nhiều nhà vận hành TTDL quan tâm hơn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang thiếu một phương pháp tiếp cận được chuẩn hóa để thực hiện, đo lường và báo cáo về tác động môi trường. Do đó, Schneider Electric đã phát triển một khung chỉ số tổng thể, bao gồm các chỉ số đo lường được tiêu chuẩn hóa nhằm hướng dẫn các nhà khai thác và ngành TTDL nói chung. Với khung chỉ số này, chúng tôi muốn cải thiện những tiêu chuẩn liên quan và tiến tới sự bền vững về môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.”
Ông Rob Brothers - Phó Chủ tịch Chương trình TTDL và Dịch vụ hỗ trợ tại IDC - chia sẻ: “Ngành công nghiệp TTDL đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và khi nhu cầu số hóa tăng lên, họ phải tiếp tục cam kết thúc đẩy các sáng kiến bền vững dài hạn. Tuy nhiên, chúng ta không thể tác động và thay đổi những gì không đo lường được. Vì thế, các công ty phải thiết lập các chỉ số đo lường rõ ràng và nhất quán, không chỉ đánh giá công nghệ có hiệu quả hay không mà còn cần theo dõi mức độ tiêu thụ (hoặc mức độ ảnh hưởng) các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, đất đai và đa dạng sinh học.”
Ngoài ra, chính áp lực ngày càng gia tăng từ các nhà đầu tư, cơ quan quản lý, cổ đông, khách hàng và nhân viên cũng thúc đẩy nhu cầu cải thiện báo cáo tác động môi trường trong vận hành trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, nhiều nhà điều hành TTDL lại thiếu kiến thức chuyên môn về vấn đề bền vững. Trong khi đó, họ cần phải xác định các chỉ số cần theo dõi và các chiến lược để thực hiện.
Trước nhiệm vụ khó khăn đó, khung chỉ số của Schneider Electric đã được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu quản lý năng lượng tận dụng kiến thức chuyên môn từ các chuyên gia ESG, các nhà tư vấn bền vững, các nhà khoa học về TTDL và các kiến trúc sư giải pháp TTDL để giúp cho việc đo lường và báo cáo các chỉ số bền vững của TTDL trở nên có hệ thống và khoa học hơn. Trung tâm Nghiên cứu quản lý năng lượng được thành lập vào năm 2002 và đã phát triển hơn 200 sách trắng đảm bảo tính trung lập với các nhà sản xuất, đồng thời cung cấp các công cụ tính toán (trade-off tools) dựa trên dữ liệu và khoa học luôn sẵn sàng và miễn phí cho toàn ngành sử dụng.
Theo đại diện của Schneider Electric, theo dõi và thực hiện báo cáo dựa trên các chỉ số bền vững được tiêu chuẩn hóa sẽ giúp các phòng ban nội bộ có thể thống nhất về ý kiến và phương thức vận hành, đồng thời tăng tính minh bạch cho các bên liên quan khác, bao gồm cả khách hàng và cơ quan quản lý. Việc triển khai khung chỉ số này cũng cho phép các nhà khai thác trung tâm dữ liệu nhằm loại bỏ khó khăn trong việc lựa chọn các chỉ số theo dõi quan trọng; cải thiện giao tiếp và giúp nội bộ doanh nghiệp dễ dàng thống nhất về các mục tiêu bền vững; hành động dựa trên dữ liệu để cải thiện vận hành; cho phép thực hiện báo cáo thường xuyên và nhất quán với các bên liên quan khác như nhà đầu tư, cơ quan quản lý, nhân viên tiềm năng… và chuẩn hoá các tiêu chuẩn bền vững với các công ty cùng ngành trên toàn cầu.