Sau làn sóng bán giải chấp, Shark Thủy và Egroup còn gì tại Apax Holdings (IBC)?
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) và Công ty CP Tập đoàn Egroup đã có các báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC).
Theo đó, từ ngày 16/12 đến ngày 29/12, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT bị Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp tổng cộng 1,56 triệu cổ phiếu IBC, tương ứng 1,876% vốn điều lệ công ty. Trong đó, BVSC bán 152.700 cổ phiếu ngày 23/12, 64.300 ngày 26/12, 207.900 ngày 27/12, 530.500 cổ phiếu ngày 28/12 và 490.800 trong ngày 29/12.
Còn Công ty CP Tập đoàn Egroup (công ty mẹ của Apax Holdings) do ông Shark Thủy làm Chủ tịch HĐQT bị Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) và BVSC bán giải chấp hơn 10,3 triệu cổ phiếu. Trong đó, Mirae Asset bán ra 1,53 triệu cổ phiếu IBC và BVSC bán ra 8,78 triệu cổ phiếu.
Chỉ riêng trong ngày 29/12, Mirae Asset đã bán 648.200 cổ phiếu và BVSC bán 8,67 triệu cổ phiếu. Tính riêng ngày 29/12, ông Thủy và Egroup đã bị bán hơn 9,8 triệu cổ phiếu.
Sau khi bị bán giải chấp, ông Nguyễn Ngọc Thủy còn sở hữu hơn 5,13 triệu cổ phiếu IBC, tương ứng 6,174% vốn điều lệ của Apax Holdings. Tập đoàn Egroup còn sở hữu 39,38 triệu cổ phiếu, tương ứng 47,36% vốn. Tổng sở hữu của hai cổ đông này là 53,534% vốn Apax Holdings.
Trước khi bị bán giải chấp, hai cổ đông này sở hữu 67,81% vốn Apax Holdings (ông Nguyễn Ngọc Thủy – 8,05%; Tập đoàn Egroup – 59,76%). Như vậy, tỷ lệ sở hữu sau 10 phiên bán giải chấp giảm gần 14,3%.
Đáng chú ý, 2 cổ đông này bị bán hơn 9,8 triệu cổ phiếu ngay trong phiên giao dịch lịch sử của IBC (29/12). Đầu phiên 29/12, IBC giảm sàn phiên thứ 27 liên tiếp xuống còn 2.260 đồng/cp với hàng chục triệu cổ phiếu được kê lệnh giá sàn.
Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút giao dịch, gần 11 triệu cổ phiếu IBC kê giá sàn nhanh chóng được hấp thụ, IBC nhanh chóng đảo chiều tăng trần với mức giá 2.580 đồng/cp. Kết phiên, khối lượng khớp lệnh lên tới 11,9 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 14% tổng khối lượng lưu hành của công ty, và dư mua trần hơn 6 triệu cổ phiếu. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất kể từ khi lên sàn vào năm 2017 của IBC.
Như vậy, IBC đã thành công cắt đứt chuỗi giảm sàn 26 phiên liên tiếp. Sau cú trượt dài đó, thị giá cổ phiếu IBC đã giảm gần 87%, vốn hóa thị trường tương ứng giảm gần 1.500 tỷ đồng.
Đến phiên sáng 30/12, tâm điểm đáng chú ý vẫn là IBC, cổ phiếu IBC đã được giải cứu trong phiên hôm qua và tiếp tục “giữ lửa” trong phiên 30/12. Lực cầu mạnh mẽ ngay từ đầu phiên giúp IBC tiếp tục tăng trần lên mức 2.760 đồng/cp ngay khi mở cửa và hiện đang dư mua trần tới gần 9 triệu cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu IBC thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
Trong một diễn biến khác, mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa có văn bản gửi Apax Holdings. Cụ thể, qua rà soát nghĩa vụ công bố thông tin của IBC, HOSE nhận thấy tại các BCTC kiểm toán 2021 và BCTC soát xét bán niên 2022 của Công ty có phát sinh giao dịch bên liên quan.
Tuy nhiên, Sở không nhận được thông tin của Công ty theo quy định tại điểm j khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020: “1. Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: j) Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ hoặc người có liên quan của công ty đại chúng; ”.
Ngoài ra, tại các Báo cáo tình hình Quản trị công ty 6 tháng và năm 2021, Báo cáo tình hình Quản trị công ty 6 tháng năm 2022 của Công ty không báo cáo về vấn đề này.
Để đảm bảo quyền lợi cổ đông, HOSE nhắc nhở IBC nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, đồng thời đề nghị Công ty rà soát và thực hiện CBTT bổ sung các Nghị quyết thông qua giao dịch bên liên quan và cập nhật đầy đủ vào Báo cáo Quản trị Công ty.