Sau các vụ án chấn động, Bộ Y tế xây khung pháp lý mới cho bán thuốc online
Thuốc giả lộng hành
Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hoặc bán thuốc online trái phép.
Thông tin được Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Tạ Mạnh Hùng chia sẻ, trong bối cảnh nhiều địa phương báo cáo tình trạng xuất hiện thuốc giả.
Tang vật trong vụ thuốc tân dược giả bị bắt. Ảnh: Công an Thanh Hóa |
Từ tháng 11/2023, Sở Y tế Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về việc phát hiện một số loại thuốc giả lưu hành trên địa bàn, bao gồm Tetracyclin Tw3, Clocid Tw3 và Cefixim.
Ngay sau đó, Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn số 10271/QLD-CL yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời phối hợp với Công an tỉnh và lực lượng Quản lý thị trường để truy tìm nguồn gốc lô thuốc giả. "Chúng tôi đã yêu cầu Thanh Hóa báo cáo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để phối hợp các lực lượng chức năng triển khai điều tra từ sớm", ông Hùng nói.
Trước thực trạng nhiều tỉnh phản ánh có thuốc giả, riêng Thanh Hóa đã có tới 4 báo cáo gửi Bộ Y tế trong thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược và Thanh tra Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với C03, A03 Bộ Công an để tổ chức họp với các Sở Y tế Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Hà Nam nhằm bàn biện pháp tăng cường phòng, chống thuốc giả.
Theo ông Hùng, thời gian qua, các đơn vị chức năng đã tăng cường kiểm tra thị trường, lấy mẫu thuốc để kiểm định chất lượng. Nhiều vụ việc liên quan đến buôn bán thuốc giả đã được phát hiện, xử lý và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Dù vậy, Bộ Y tế đánh giá tình trạng vi phạm vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Sắp có quy định mới về bán thuốc online
Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 41/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hàng giả, trong đó có thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Triển khai Công điện, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh thuốc qua môi trường mạng, đồng thời rà soát và phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị thuộc Bộ trong công tác kiểm soát sản xuất, phân phối, quảng cáo và lưu hành thuốc.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường truyền thông tới người dân về cách nhận diện thuốc giả, khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế hợp pháp, không tự ý mua thuốc điều trị qua mạng, đặc biệt là những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống dữ liệu về ngành dược. Tới đây, tất cả thông tin về thuốc được cấp phép, nhà sản xuất, nhà phân phối, cơ sở bán lẻ sẽ được công bố công khai để người dân có thể tra cứu, đối chiếu, tránh mua phải thuốc giả", ông Hùng cho biết.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành, kết hợp giữa thanh tra y tế, công an, quản lý thị trường và hải quan nhằm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong hoạt động buôn bán thuốc, đặc biệt là thuốc không phép trên các nền tảng thương mại điện tử.
Như Báo Công Thương đã đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn nhất tỉnh. Khoảng 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu bị thu giữ. Nguyên liệu dược phẩm, dược liệu, thảo mộc đều mua không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan điều tra cáo buộc, từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng. |