Được khởi xướng từ tháng 4/2003, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam.
Sau 18 năm thực hiện, Sáng kiến đã góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Đại diện Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký kết Biên bản ghi nhớ triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 (ảnh MPI) |
Trình bày về kết quả thực hiện giai đoạn 7 và tầm nhìn, triển vọng của giai đoạn 8, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua 7 giai đoạn, với 430/525 tiểu hạng mục (tương đương 82%) trong kế hoạch hành động đã được triển khai tốt và đúng tiến độ; 52/52 hạng mục cam kết đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan chính phủ Việt Nam trong việc triển khai kế hoạch hành động, minh chứng cho chính sách kiên trì của Chính phủ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đó, Kế hoạch hành động giai đoạn 8 gồm 11 nhóm vấn đề, bao gồm: Chế độ công bố và áp dụng án lệ/Chế độ thi hành án dân sự/ Chế độ cạnh tranh; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Cải thiện các vấn đề môi trường lao động; Thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương thức hợp tác công – tư (PPP); Cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; Phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; Nỗ lực cải thiện luật quy định liên quan đến việc xây dựng đường ống khí đốt tự nhiên, thúc đẩy nhập khẩu LNG; Các vấn đề liên quan đến đất đai; Công nghiệp hỗ trợ; Thúc đẩy hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và hoạt động đổi mới sáng tạo tại địa phương, doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao.
Đặc biệt, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch Covid-19, nhất là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất bổ sung 3 nhóm vấn đề mới về: Công nghiệp hỗ trợ; Đổi mới sáng tạo và Phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao, nhằm đáp ứng sự dịch chuyển, tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư của dòng vốn đầu tư sắp tới.
Phát biểu tại lễ khởi động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 diễn ra mới đây, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam YAMADA Takio đánh giá cao sáng kiến giai đoạn 8 với các nội dung rõ ràng. Theo ông YAMADA Takio, các nội dung của giai đoạn này sẽ được đánh giá vào năm 2023, đây cũng là năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hy vọng, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn 8, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ YAMADA Takio nhấn mạnh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các nước trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, những nội dung hai bên đưa ra cho giai đoạn tới, đặc biệt là bổ sung các nhóm nội dung mới về: Công nghiệp hỗ trợ; Đổi mới sáng tạo và Phát triển nguồn nhân lực góp phần phát triển kinh tế, giải quyết được những khó khăn mà hai bên gặp phải.
Đặc biệt, bên cạnh các nhóm vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch hành động giai đoạn 8 đã đề cập tới những vấn đề vĩ mô gắn với những khuyến nghị chính sách lớn, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm đầu tư của Nhật Bản trong giai đoạn tới.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là khuôn khổ đối thoại chính sách thiết thực và hiệu quả. Sự hợp tác tích cực của phía Nhật Bản với các bộ, ngành Việt Nam qua 7 giai đoạn đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng chính sách và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. |