Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về phát triển ngành điện: Hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững
Nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao
Theo Bộ Công Thương, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, qua hơn 18 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã thực hiện được 7 giai đoạn, với tổng số 473 tiểu hạng mục trong Kế hoạch hành động.
Tại cuộc họp cấp cao đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 7 vào ngày 12/12/2019, hai Bên đã thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương luôn đánh giá cao các nỗ lực triển khai hoạt động hợp tác, ghi nhận các thành tựu đã đạt được của hai nước trong khuôn khổ hợp tác này.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượngvà nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Thắng- Trưởng phòng Hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, điện năng tiêu thụ năm 2021 đạt 224 tỉ kWh, công suất phụ tải đỉnh là 42.4GW. Trong đó điện năng cho ngành công nghiệp chiếm 54.4%; nhu cầu điện sinh hoạt chiếm 34.3%. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quan của điện năng tiêu thụ trong 10 năm qua chiếm 9%.
Ông Nguyễn Thế Thắng co hay, hướng đên mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050, tỉ tọng công suất nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng dần: Năm 2020 đạt 25%, năm 2030 dự báo 32% và đến năm 2045 sẽ là 58%.
“Lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than đến năm 2050 cụ thể, Nhiện điện than sẽ dừng vận hành sau 40 năm tuổi thọ, các nhà máy điện than còn lại sẽ bắt đầu thực hiện đốt kèm (từ 20%) sau 20 năm vận hành, chuyển sang đốt hoàn toàn biomass, amoniac trong 10 năm tiếp theo, Đến năm 2050 các nhà máy điệnt han đều phải chuyển đốt hoàn toàn biomass, amoniac”- ông Nguyễn Thế Thắng thông tin.
Về phía Nhật Bản, ông Aguin Toru- Trưởng nhóm WT6, Trưởng đại điện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Hà Nội cho rằng, các đề xuất thảo luận chính trong Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản. Đó là các hình thức hỗ trợ từ phía Nhật Bản trong quá trình chuyển đổi năng lượng; Phương thức sử dụng điện mặt trời áp mái; thức đẩy điện gió và điện sinh khối; khả năng vay vồn ngân hàng của doanh nghiệp phát điện quy mô lớn; hệ thống mua bán điện trực tiếp thí điểm…
“Cần thúc đẩy điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp, nhà máy hướng tới việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Phía Nhật Bản cũng hỗ trợ mở rộng cung cấp năng lượng tái tạo cho ngành công nghiệp Việt Nam bằng cách sử dụng trợ cấp JCM, khoản vay JBIC theo hệ thống tín dụng song phương của Chính phủ” - ông Aguin Toru nói.
Hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững
Nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đảm đảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho đất nước với chi phí hợp lý và đáp ứng các yêu cầu về môi trường; phát triển ngành điện nhanh và bền vững; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới…; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải bằng “0” vào năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội thảo |
Thứ trưởng nêu rõ, Quy hoạch điện VIII được xây dựng từ năm 2020, đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai, được thẩm định kỹ lưỡng, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Các quan điểm phát triển điện lực của Quy hoạch điện VIII có nhiều nét mới, cụ thể như sau: Bám sát chủ trương, định hướng nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nâng cao tính tự chủ của ngành điện, khai thác tối đa nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài.
“Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia”.- Thứ trưởng nêu.
Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường.
Khai thác tối đa tiềm năng thuỷ điện của đất nước trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng. Nghiên cứu các loại hình năng lượng tái tạo khác như địa nhiệt, sóng biển, …
Ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước; Phát triển nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro.
Thứ trưởng bày tỏ, đối với Việt Nam, những mục tiêu như: Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh; Đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý; Chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất thách thức.
“Những thông tin, chia sẻ, bài học kinh nghiệm từ phía Nhật Bản sẽ giúp chúng tôi định hướng chính sách phát triển phù hợp và hiệu quả nhất cho Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả”- Thứ trưởng nhấn mạnh.