Sản xuất công nghiệp Lạng Sơn: Hướng tới chất lượng, xanh và bền vững
Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp năm 2021, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã tích cực đôn đốc các dự án thủy điện đang xây dựng thực hiện nghiêm công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa; thẩm định hồ sơ và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện quy trình vận hành hồ chứa thủy điện. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch 01 dự án nhà máy điện sinh khối, 03 nhà máy điện gió, 01 dự án điện rác. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Nghị quyết và xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của tỉnh ủy Lạng Sơn về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. Rà soát qui hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn (vị trí, địa điểm, diện tích...) và phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền các huyện... xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào qui hoạch chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã thường xuyên theo dõi, rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất của doanh nghiệp để hỗ trợ, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến các dự án phát triển công nghiệp thuộc chức năng quản lý của ngành...
Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 cơ bản vẫn duy trì được tăng trưởng. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm đạt 890.000.000 kwh, tăng 4,1% so với cùng kỳ; clinker đạt 410.000 tấn, tăng 7%; đá các loại đạt 4.090.000 m3, tăng 6%; gạch các loại đạt 244.000.000 viên, tăng 3,8%; nước máy đạt 9.888.000 m3, tăng 4,6%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng sản xuất đạt 136.000 m3, tăng 4,6%; nhựa thông và các sản phẩm chế biến từ nhựa thông đạt 12.000 tấn, tăng 20%...
Cụm công nghiệp ở Lạng Sơn. Ảnh minh họa |
Năm 2022, ngành Công Thương tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 7-8% so với năm 2021. Trong đó, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, gồm: Xi măng đạt 950.000 tấn; điện sản xuất đạt 910.000.000 kwh; điện thương phẩm đạt 850.000.000 kwh; than sạch đạt 570.000 tấn; gạch các loại 250.000.000 viên; đá các loại 4.350.000 m3; bột đá mài 7.350 tấn; ván bóc và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng 150.000 m3; nước máy 10.240.000 m3; nhựa thông và các sản phẩm từ nhựa thông 15.000 tấn... |
Tuy nhiên, dù có mức tăng trưởng sản lượng so với năm 2020, song một số sản phẩm công nghiệp chủ lực sản xuất vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra (sản xuất điện, điện thương phẩm, xi măng... chưa đạt kế hoạch). Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp công nghiệp có giá trị sản xuất lớn trên địa bàn đã phát huy cơ bản công suất thiết kế; các dự án công nghiệp mới xây dựng còn chậm; các cơ sở sản xuất công nghiệp của Lạng Sơn hầu hết qui mô còn nhỏ, ít có dự án đổi mới công nghệ... Đây là những hạn chế đáng chú ý trong định hướng phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và các năm tiếp theo cần quan tâm, thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; sản xuất công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại; liên kết và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong kế hoạch phát triển công nghiệp 2022 và các năm tiếp theo, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: vật liệu xây dựng; điện; chế biến nông lâm sản; gia công cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; tái chế và sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu....; đồng htời xúc tiến đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp phù hợp với qui hoạch.
Tập trung phát triển công nghiệp tại các khu vực có lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, tài nguyên, vùng nguyên liệu, lao động. Chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu để tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp ứng dụng, công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng và công khai danh mục các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp của trung ương.
Nghiên cứu phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối khi các khu, cụm công nghiệp hoạt động. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để tạo nền móng cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tạo thuận lợi cho các dự án điện rác, xử lý rác sinh học năng lượng sạch, điện sinh khối, điện gió phát triển.