Sàn Việt - bệ phóng đưa đường thốt nốt thẻ Trần Gia vượt khỏi 'lũy tre làng'
Với sự góp mặt trên sàn thương mại điện tử Sàn Việt, đường thốt nốt thẻ Trần Gia đang mở ra một chương mới đầy hứa hẹn, lan tỏa vị ngọt "vàng đen" đến với người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước. Câu chuyện bán hàng trực tuyến của Trần Gia không chỉ là bước tiến trong kinh doanh, mà còn góp phần nâng tầm giá trị cho đặc sản quê hương, khẳng định vị thế của nông sản Việt trên bản đồ thương mại điện tử.
Nâng vị thế cho cây thốt nốt
Cây thốt nốt từ lâu đã là biểu tượng gắn liền với đời sống của người dân Khmer ở huyện Tịnh Biên, An Giang. Trên khắp các xã của huyện, hơn 100.000 cây thốt nốt đang vươn mình xanh tốt, mang đến nguồn sống cho người dân nơi đây. Nhận thức được tiềm năng to lớn này, tỉnh An Giang đang nỗ lực nâng tầm giá trị cho cây thốt nốt, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa.
Hướng tới tương lai, An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tỉnh sẽ tập trung phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc gia, an toàn cho người sử dụng, đồng thời xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ An Giang. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, sẽ có ít nhất 200 cây thốt nốt được khai thác để sản xuất sản phẩm hữu cơ, con số này sẽ tăng lên 500 cây vào năm 2030.
Nhờ thương mại điện tử, những đặc sản địa phương như đường thốt nốt đã vượt ra khỏi "lũy tre làng", đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, thậm chí vươn xa đến tận trời Âu |
Lãnh đạo tỉnh An Giang, nhấn mạnh, cây thốt nốt không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc, đặc biệt là đối với đồng bào Khmer. Việc phát triển các sản phẩm từ thốt nốt góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của địa phương.
Ngày nay, cây thốt nốt không chỉ được biết đến với đường thốt nốt mà còn là nguyên liệu cho ra đời nhiều sản phẩm đa dạng như rượu thốt nốt, nước thốt nốt, chè, thạch, tranh lá thốt nốt, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt, nước màu thốt nốt... Nhiều sản phẩm trong số này đã được hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương.
Để nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi An Giang tiếp tục phát triển, ông Trương Bá Trạng cho rằng, cần sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong việc tạo cơ chế chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, kết nối thị trường tiêu thụ, thúc đẩy du lịch làng nghề. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để sản phẩm thốt nốt đến gần hơn với người tiêu dùng.
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận chính là việc kết nối chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thốt nốt. Các hợp tác xã, doanh nghiệp đang tích cực tham gia vào chương trình OCOP, đưa những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng. Điển hình như Công ty TNHH MTV phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia, với hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm từ thốt nốt, đã không ngừng nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm mới, tiện lợi và dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng.
Nổi bật trong số đó là đường thốt nốt dạng thẻ - một sáng tạo độc đáo mang đến sự tiện lợi tối đa. Những lát đường thốt nốt thẻ Trần Gia màu nâu vàng tự nhiên, tỏa hương thơm đặc trưng và vị ngọt thanh khiết, không chứa chất bảo quản, hoàn toàn an toàn cho sức khỏe. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm một giải pháp thay thế đường trắng lành mạnh và tự nhiên. Sản phẩm này đã được vinh danh với danh hiệu OCOP 3 sao, đồng nghĩa với sự cam kết về chất lượng và uy tín, mang đến cho bạn trải nghiệm ẩm thực độc đáo và tuyệt vời từ vùng quê An Giang.
Giám đốc Trần Thanh Nghị bộc bạch: "Cây thốt nốt như một người bạn thân thiết của người dân Bảy Núi, luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách mỗi khi ghé thăm. Vì vậy, chúng tôi đã khéo léo lồng ghép những nét đặc trưng của vùng đất này vào bao bì sản phẩm. Mỗi khi thưởng thức hương vị ngọt ngào của đường thốt nốt Trần Gia, du khách sẽ nhớ về An Giang, nhớ về những con người thân thiện và mến khách nơi đây. Đó cũng chính là cách chúng tôi gửi gắm tình yêu quê hương vào từng sản phẩm của mình".
Doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử
Thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành lựa chọn tối ưu cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp tại An Giang đã chủ động ứng dụng thương mại điện tử, triển khai bán hàng đa kênh, đa phương tiện, mang đến sự tiện lợi tối đa cho khách hàng. Kết quả thật đáng mừng, những đặc sản địa phương như đường thốt nốt đã vượt ra khỏi "lũy tre làng", đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, thậm chí vươn xa đến tận trời Âu.
Ông Lê Phước Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang khẳng định: “Sàn thương mại điện tử đã góp phần nâng cao khả năng kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó gia tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hội Nông dân tỉnh đang nỗ lực kết nối hơn 10.000 hộ nông dân với các sàn thương mại điện tử, đồng thời phối hợp tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm xanh, sạch, an toàn. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, giúp người nông dân An Giang yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập”.
Công ty TNHH MTV Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia là một ví dụ điển hình cho sự thành công khi ứng dụng thương mại điện tử. Nhờ sự phát triển của xu hướng mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử đã trở thành "cánh tay đắc lực" giúp Trần Gia đến gần hơn với khách hàng. Hiện nay, công ty cung cấp gần 20 sản phẩm đa dạng từ phổ thông đến cao cấp, với mức giá phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng. Sản phẩm không chỉ được phân phối rộng rãi tại các siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc mà còn có mặt trên các sàn thương mại điện tử, website của công ty và cửa hàng trực tiếp. Đặc biệt, đường thốt nốt Trần Gia đã "xuất ngoại" thành công, chinh phục thị trường nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...
Một bước tiến quan trọng trong chiến lược kinh doanh trực tuyến của Trần Gia chính là việc đưa sản phẩm Đường thốt nốt thẻ Trần Gia - một sản phẩm đặc biệt được chiết xuất từ 100% mật hoa thốt nốt nguyên chất lên sàn Thương mại điện tử An Giang (www.angiang.sanviet.vn). Sàn giao dịch này được tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất Sàn Việt (Sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng và quản lý, mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp địa phương.
"Kể từ khi có mặt trên Sàn thương mại điện tử Sàn Việt, việc mua sắm đường thốt nốt thẻ Trần Gia trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khách hàng chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua sản phẩm yêu thích và nhận hàng tận nhà. Điều này không chỉ giúp chúng tôi tăng doanh số mà còn góp phần quảng bá đặc sản An Giang đến với người tiêu dùng trên khắp cả nước", ông Nghị hào hứng cho biết.