Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội: Hội tụ và lan tỏa
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về nhóm hàng TCMN. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 192 triệu USD, thu hút gần 1 triệu lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 55 triệu đồng/người/năm.
Giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCMN Hà Nội lần thứ 8 năm 2019 |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được. Nhiều sản phẩm làm ra chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn tương đối yếu so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc chậm đổi mới mẫu mã, sản phẩm thiếu tính sáng tạo, nhiều sản phẩm chưa xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi có những mẫu thiết kế đẹp nhưng lại thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt…
Ông Lưu Duy Dần- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam- nhận định, do hạn chế về nguồn lực, các cơ sở này không dám đầu tư đội ngũ thiết kế riêng, thiếu điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Trong khi đó, nhiều cơ sở cũng e ngại, nếu bỏ công sức đầu tư thiết kế mẫu bài bản, thì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị các cơ sở khác làm nhái. Do đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.
Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội - cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng TCMN, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi bằng cách đổi mới thiết kế mẫu, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.
Đổi mới để cạnh tranh
Để tạo sân chơi cho các nghệ nhân cũng như chắp cánh cho các ý tưởng thiết kế. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm TCMN; tập hợp trí tuệ, ý kiến đóng góp của một số chuyên gia trong và ngoài nước; tạo ra những sản phẩm có thiết kế mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp với thị hiếu khách hàng, ông Nguyễn Thanh Hải- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, năm 2020, Hà Nội tiếp tục tổ chức cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN. Với chủ đề "Tinh hoa sản phẩm TCMN thủ đô - hội tụ và lan tỏa", sản phẩm dự thi được phân thành các nhóm gồm: Gốm sứ, sơn mài, mây, tre, giang đan, khảm trai, đá, gỗ, sừng mỹ nghệ, thêu, lụa tơ tằm, TCMN khác.
Theo ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng TCMN trên địa bàn thành phố tái cơ cấu ngành hàng, sản phẩm, đẩy mạnh phát triển mẫu mã sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và tăng khả năng xuất khẩu sau thời gian cách ly xã hội do tác động của dịch Covid-19. "Thông qua cuộc thi, dự kiến sẽ tạo ra từ 300 - 350 mẫu sản phẩm TCMN có thiết kế mới, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng TCMN của Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Bổ sung vào bộ sưu tập sản phẩm các mẫu thiết kế mới của ngành hàng TCMN Hà Nội năm 2020" - ông Hải nói.
Thông qua cuộc thi, Sở Công Thương Hà Nội kỳ vọng các nghệ nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm TCMN để tạo ra những sản phẩm có tính mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp với thị hiếu khách hàng. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển mẫu mã sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường.
Dự kiến, lễ trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 10/2020 trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế quà tặng hàng TCMN Hà Nội năm 2020 (Hanoi Giftshow 2020). |