Ra mắt mô hình hỗ trợ xây dựng chiến lược trong doanh nghiệp
Mô hình Trends Mind-Hacking Model được giới thiệu tại sự kiện Trends Summit #01: “Định nghĩa lại tương lai” do Công ty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ DigiMind Group cùng Genius Việt Nam, Teso phối hợp tổ chức.
Bà Tracy Vũ, Giám đốc chiến lược DigiMind Group, nhà sáng lập mô hình Trends Mind - Hacking Model chia sẻ tại sự kiện Trends Summit #01: “Định nghĩa lại tương lai” |
Nội dung của sự kiện xoay quanh việc cập nhật, thảo luận, giải mã các nguyên lý hình thành xu hướng, đồng thời, điểm danh các Xu hướng nổi bật nhất sẽ diễn ra trong năm 2023. Những nội dung này có thể giúp các doanh nghiệp có đủ dữ kiện để đưa ra các quyết định đúng đắn trong kinh doanh, vững tin vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” và nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh mới.
Đặc biệt, tại sự kiện năm nay lần đầu tiên mô hình Trends Mind-Hacking được công bố và sẽ trở thành mô hình ứng dụng xuyên suốt cho các năm tiếp theo của Trends Summit. Mục tiêu của mô hình này nhằm hỗ trợ cho mọi hoạt động xây dựng chiến lược trong doanh nghiệp, cũng như giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các xu hướng, phân tích được nội lực, ngoại lực, xác định được mục tiêu đúng đắn, để từ đó, doanh nghiệp sẽ được định hướng và phát triển một cách tối ưu nhất.
Được xây dựng một cách khoa học và bài bản, mô hình Trends Mind-Hacking cung cấp cho các doanh nghiệp, ngành hàng, lĩnh vực phương thức, các chỉ số quan trọng nhất của việc phát triển và củng cố nội lực.
Đưa ra khuyến nghị mỗi năm doanh nghiệp nên triển khai “khám bệnh" tổng quát để xác định chỉ số sức mạnh hiện có, Bà Tracy Vũ, Giám đốc chiến lược DigiMind Group, nhà sáng lập mô hình Trends Mind - Hacking Model cho biết, mục đích của việc củng cố nội lực này là phải đào thật sâu nghiên cứu, khám phá các cơ hội dù nhỏ nhất và khai thác mọi nguồn lực để tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh giành chiến thắng trong mọi cuộc chơi.
Theo bà Tracy Vũ, hầu hết những doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19 vừa qua hay bất kỳ khủng hoảng nào phần lớn không phải do may mắn mà hoàn toàn do nội lực. Mặt khác, cũng chính nhờ Covid-19, các doanh nghiệp đã ý thức hơn về việc khám phá, khai phá và tận dụng hết các lợi thế cạnh tranh từ nội lực của mình.
Cùng với đó, khả năng hiểu về ngoại lực, đặc biệt là những biến động trong môi trường kinh doanh, các xu hướng về kinh doanh, quản trị, thương hiệu, truyền thông sẽ giúp cho doanh nghiệp nhận định được các rủi ro, xác định phân khúc và thị trường phù hợp, và từ đó, chớp lấy các cơ hội có một không hai.
“Điều quan trọng chúng ta cần biết rõ chúng ta đang ở đâu trong bản đồ định vị về sản phẩm, thương hiệu, đường giá trị chung của ngành, của thị trường. Hay thậm chí là bản đồ định vị trong tâm trí người tiêu dùng mà chúng ta thường hay gọi là cuộc chiến Memory” - bà Tracy Vũ cho hay.
Ngay với một doanh nghiệp là một thương hiệu nổi tiếng thì không chỉ là câu chuyện định vị thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp mà còn là định vị truyền thông, tức là điều mà truyền thông bàn luận nhiều nhất về doanh nghiệp đó hay khả năng thu hút sự quan tâm của báo chí.
“Biết người ta, biết ta trăm trận, trăm thắng”, mô hình Trends Mind-Hacking Model sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược hiệu quả nhất trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.