Ra mắt Mạng lưới chuyên gia ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông
Phát biểu khai mạc buổi lễ, TS Nguyễn Lê Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Điện lựccho biết: Mạng lưới chuyên gia ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông được thành lập với mục đích tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo, người học với người sử dụng lao động và tiếp thu ý kiến các bên liên quan trong việc khảo sát nhu cầu của thị trường lao động liên quan đến chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông.
TS Nguyễn Lê Cường phát biểu tại lễ ra mắt mạng lưới chuyên gia ngành CNKT Điện tử-Viễn thông |
Mạng lưới gồm các chuyên gia ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông đến từ 22 cơ quan, doanh nghiệp như: Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn FPT, Viện Công nghệ Vũ trụ, Trường Đại học Điện lực…
Đại diện Công ty FPT Telecom, ThS Vũ Thị Khánh Nga Phó phòng tuyển dụng và Phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia chia sẻ, hiện nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ kỹ thuật điện tử-viễn thông là rất lớn, là một trong những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam hiện tại Tập đoàn FPT đang có khoảng 17.000 nhân sự, trong đó có khoảng 200 nhân sự là cựu sinh viên Trường Đại học Điện lực, trong số này có đến 50 người đến từ Khoa Điện tử -Viễn thông, số lượng nhân sự này không chênh lệch nhiều so với các trường đại học kỹ thuật hàng đầu khác tại Việt Nam như Đại học Bách Khoa.
Có thể nói trong những năm qua Trường Đại học Điện lực đã không ngừng nỗ lực đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều giáo trình, chương trình đào tạo của 19 ngành đào tạo đại học,10 ngành đào tạo thạc sĩ, 7 ngành đào tạo tiến sĩ không ngừng được đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Các thành viên của Mạng lưới chuyên gia đến từ các cơ quan, doanh nghiệp hàng đầu về điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin |
“Cùng với chương trình đào tạo của 5 ngành học khác, chương trình đào tạo của Khoa Công nghệ kỹ thuật Điện tử- Viễn thông trong năm 2022 đã được đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và nằm trong số rất ít các Trường có ngành Điện tử - Viễn Thông được cấp Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục”- TS Phạm Duy Phong- Trưởng Khoa Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông chia sẻ.
PGS.TS Hà Hải Nam, Phó viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia nhấn mạnh: Xu hướng công nghệ và đòi hỏi thực tiễn của các cơ quan đơn vị sử dụng lao động sẽ ảnh hưởng rất nhiều cách dạy của các cơ sở đào tạo. Mạng lưới chuyên gia sẽ là thiết chế hiệu quả để gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn, để cho phép các chuyên gia, các đối tác, cơ quan, đơn vị là những người sử dụng lao động có cơ hội để tham gia trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, qua đó nâng cao được chất lượng đơn vị đào tạo.
Ban Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia ra mắt |
Ngay sau buổi lễ ra mắt mạng lưới, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức Hội thảo đổi mới chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông. Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các tham luận về chủ đề: Phân tích, đánh giá sự cần thiết của việc hiệu chỉnh chương trình đào tạo ngành ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông; Nhu cầu nguồn nhân lực, vị trí việc làm, năng lực yêu cầu; Góp ý về mục tiêu, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo ngành ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tham quan các sản phẩm khoa học công nghệ của Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Điện lực.