Thứ bảy 23/11/2024 04:41

Quyết liệt đảm bảo nguồn cung và điều hành hợp lý giá xăng dầu - Bài 1: Tuyệt đối không để thiếu xăng dầu

Câu chuyện về giá xăng dầu chưa bao giờ ngừng “nóng” trong những ngày qua. Xác định đây là mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát và bổ sung nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Thị trường xăng dầu vì sao thiếu cục bộ?

Những căng thẳng chính trị trên thị trường thế giới cộng với nhu cầu tăng cao do phục hồi kinh tế, giá xăng dầu thế giới đã có biến động tăng rất mạnh từ thời điểm cuối năm ngoái đến nay, kéo theo giá xăng trong nước buộc phải điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, điều đáng nói là trước các kỳ điều hành, mỗi khi giá xăng chuẩn bị tăng, nhiều cửa hàng xăng dầu tại các địa phương lại treo biển “hết xăng” hoặc bán cầm chừng. Đây không phải là thực trạng mới mẻ, mà là hiện tượng đã tái diễn từ nhiều năm qua.

Giá xăng dầu liên tục nóng thời gian qua

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện có 36 doanh nghiệp (DN) đầu mối được cấp phép, bên dưới là các DN phân phối, tổng đại lý, đại lý và đơn vị nhượng quyền, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Theo quy định, thương nhân phân phối được yêu cầu phải dự trữ nguồn cung 20 ngày, nhưng nỗi lo rủi ro về giá, chi phí tài chính... khiến không ít cơ sở, đặc biệt là cơ sở quy mô nhỏ không đáp ứng yêu cầu này. Do đó, khi nguồn cung khan hiếm, các DN đầu mối chỉ bảo đảm được hàng cho hệ thống của mình. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng thừa nhận: “Có sự không đồng đều về nguồn cung giữa các DN đầu mối. Và khan hiếm nguồn, găm hàng xảy ra phần lớn trong mạng lưới của DN đầu mối nhỏ, thương nhân phân phối”.

Đồng ý kiến, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng thông tin, tình hình khan hiếm xăng dầu thời gian qua là hiện tượng mang tính cá biệt, không phổ biến trên thị trường toàn quốc. Với hơn 16.000 cửa hàng xăng dầu cả nước, chỉ có một số cửa hàng trên một số địa bàn có hiện tượng găm hàng, người dân không nên hoang mang, lo lắng. Tất cả các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex vẫn hoạt động bình thường và đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Ngăn chặn kịp thời tình trạng thiếu xăng “ảo”

Nhìn nhận về những vấn đề của thị trường xăng dầu thời gian qua như cung cầu bất ổn, giá cả biến động gây nên tình trạng thiếu hàng, đóng cửa hay găm hàng hoặc những vụ xăng dầu lậu, xăng kém chất lượng quy mô lớn, Bộ Công Thương cho rằng, chỉ một bộ phận DN kinh doanh thiếu lành mạnh và cần phải thanh tra làm rõ, xử phạt nặng.

Trong các cuộc họp mới đây với đại diện các bộ, ngành, địa phương về tình hình đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần nhắc, cần phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật các hành vi găm hàng, bán nhỏ giọt, đóng cửa của các cửa hàng xăng dầu. Do đó, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 150/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số DN.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương liên tục kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu

Ngay sau khi Quyết định được ban hành, một đoàn kiểm tra do Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long làm trưởng đoàn và đại diện các Tổng Cục, Cục, Vụ thuộc bộ là thành viên đã tới một số địa phương phía Nam – nơi đang có những hiện tượng mà theo dư luận là “nóng” về xăng dầu. Trong ngày đầu tiên, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở còn xăng nhưng không bán, có đến cả nghìn lít hoặc đang chờ “châm” xăng từ đầu mối vẫn treo biển báo “hết xăng”.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, qua kiểm tra giám sát, thanh tra lần này, Bộ Công Thương có thể "điểm mặt chỉ tên", trường hợp phát hiện vi phạm, có đầy đủ bằng chứng sẽ "đào thải", nhằm ngăn chặn tình trạng những DN chỉ ký hợp đồng mua hàng từ các đầu mối một lượng hàng nhất định, sau đó lợi dụng quyền được mua hàng từ nhiều nguồn để lấy từ nguồn trôi nổi, khi khan hàng lại "đổ" cho vấn đề điều hành.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, không nương tay với các vi phạm, tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất với tần suất 1-2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm, theo đúng quy định, thậm chí xin ý kiến Thủ tướng cả biện pháp vượt khung để xử lý với hành vi găm hàng.

Từ sự quyết tâm đó, đến nay, các mũi thanh tra từ Bộ Công Thương vẫn liên tục triển khai các biện pháp thanh, kiểm tra và nhanh chóng công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng các cửa hàng vi phạm. Để tăng trách nhiệm thanh kiểm tra, người đứng đầu Bộ Công Thương còn khẳng định: “Sẵn sàng kỷ luật người đứng đầu lực lượng quản lý thị trường địa phương nếu để xảy ra tình trạng cố tình găm hàng, ngừng bán xăng dầu để trục lợi ở địa bàn mình quản lý”.

“Với sự quyết liệt đó, theo báo cáo của các địa phương, trong vài ngày trở lại đây, tình trạng các cửa hàng xăng dầu như trước đây có tình trạng bán cầm chừng hoặc ngừng bán hàng đã không còn. Về cơ bản, các cửa hàng xăng dầu trên cả nước đã hoạt động tốt để phục vụ cho sản xuất người tiêu dùng” – ông Trần Duy Đông thông tin.

Đánh giá về sự quyết liệt này của Bộ Công Thương, TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cho rằng: “Công tác giám sát, xử lý tình trạng đầu cơ xăng dầu của Bộ Công Thương đã được triển khai đúng lúc kịp thời. Đồng thời, đảm bảo chất lượng xăng dầu, không còn tình trạng xăng kém chất lượng”.

Sẽ không có chuyện thiếu xăng dầu

Bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện các giải pháp thanh kiểm tra, ngày 24/2/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022 để bù đắp nguồn cung cho thị trường nội địa.

Với giải pháp này, tại cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo xuất khẩu diễn ra ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Không chỉ hết quý II mà chúng tôi khẳng định từ nay trở đi sẽ không có chuyện thiếu xăng dầu”.

Các doanh nghiệp liên tục bổ sung nguồn cung từ nguồn nhập khẩu

Theo đó, giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu đã được thực hiện bằng cách lấy tổng cầu trừ đi lượng sản xuất của doanh nghiệp trong nước, số thiếu hụt còn lại sẽ giải quyết bằng cách nhập khẩu, giao chỉ tiêu cụ thể từng tháng cho doanh nghiệp. Lượng nhập khẩu này, doanh nghiệp sẽ phải thường xuyên báo cáo về đầu mối là Vụ Thị trường trong nước để Vụ nắm được và cân đối sao cho không để thiếu hụt.

Để đáp ứng nguồn cung xăng dầu này, ông Trần Duy Đông cho biết, các DN xăng dầu đang thực hiện rất tốt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện tổng nguồn được giao cho năm 2022 cũng như hạn mức nhập khẩu tối thiểu. Đặc biệt, 10 DN được Bộ chọn để giao nguồn nhập khẩu bổ sung cho nguồn thiếu hụt cũng đang nỗ lực trong việc đàm phán về giá, tìm nguồn cung, vì thực tế, trên thế giới, giá xăng dầu đang tăng nhanh và nguồn cung có sự gián đoạn nhất định. “Nhưng có thể khẳng định, các DN đang thực hiện rất tốt chỉ đạo của bộ để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng của người dân cũng như việc phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang triển khai” - ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, đơn vị đã tích cực rà soát lại các hợp đồng nhập khẩu đã ký kết ngay từ đầu năm 2022, trước khi có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương. Tiếp sau đó, ký kết các hợp đồng mới để phù hợp chỉ tiêu và sản lượng mà Bộ Công Thương đã quy định cho Petrolimex phải nhập khẩu.

Với nguồn nhập khẩu bổ sung, sẽ không có chuyện thiếu xăng dầu trong thời gian tới

Bộ Công Thương cũng tính đến những kịch bản nếu 10 DN kể trên có những khó khăn trong nhập khẩu xăng dầu, Bộ sẽ điều chỉnh cho phù hợp, kể cả huy động dự phòng các DN khác mà Bộ chưa giao bổ sung. “Chúng tôi cũng căn cứ theo các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu để có những xử lý đúng quy định đối với khâu dự trữ, thực hiện tổng nguồn cũng như hạn ngạch nhập khẩu bổ sung để đảm bảo nguồn xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng” - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Thực tế, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế và dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định. Về điều này, TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế ghi nhận: “Bộ Công Thương đã điều hành linh hoạt, cân nhắc rất nhiều chiều, đặc biệt đã có giải pháp tăng nguồn cung kịp thời lúc thị trường đang “nóng” nhất. Đây là giải pháp rất quan trọng để đảm bảo duy trì nguồn cung xăng dầu, phục vụ cho việc phát triển kinh tế thời gian hậu đại dịch”.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các DN đầu mối đã đẩy mạnh việc nhập khẩu. Chỉ tính riêng tháng 2/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu đã đạt mức 1,45 triệu m3, tăng cao gấp 3 lần so với các tháng thông thường.

Bài 2: Giá xăng dầu đã được điều hành đúng và quản lý chặt chẽ

Lan - Anh - Phương
Bài viết cùng chủ đề: Giá xăng dầu hôm nay

Tin cùng chuyên mục

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?

Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Bài 1: Bài học lịch sử, nhiệm vụ lịch sử

PC Lào Cai: 'Thần tốc' đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ

PC Đắk Nông: Cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế