Quỹ Tấm lòng Việt: ''Viết tiếp ước mơ đến trường'' của nhiều học sinh nghèo vượt khó
Sinh ra và lớn lên tại xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), hiện em Sùng Mí Thò đã trở thành sinh viên Khoa Điện, Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Thái Nguyên.
Em kể: Là con út trong gia đình có 3 anh em, do gia đình thuộc diện rất khó khăn, hai anh của em học chưa hết lớp 9 đã bỏ đi làm, còn em đã quyết định đi học cấp 3 trường THPT Mèo Vạc. Hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ em đã phải làm nương quanh năm, chủ yếu là trồng ngô để bán lấy tiền cho em đi học.
Em Sùng Mí Thò - sinh viên Khoa Điện, Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Thái Nguyên - một trong những học sinh được nhận học bổng từ Quỹ Tấm lòng Việt trong chương trình "Cùng em đến trường". |
Do đi học xa nhà nên em phải thuê trọ ở. Số tiền bố mẹ em bán ngô không đủ để cho em ăn học và trả tiền trọ nên bố mẹ em đã trồng thêm vụ 2 nhưng lại mất mùa. Vì thế, đang học lớp 10, em đã có ý định bỏ học để đi làm.
Nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường, Công đoàn Giáo dục tỉnh Hà Giang kết nối giúp đỡ nên em đã nhận được học bổng từ Quỹ Tấm lòng Việt. Học bổng này đã giúp em không bỏ lỡ con đường học tập, con đường học hành của em đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Em đã vượt qua kì thi tốt nghiệp và đủ điểm để xét vào học cao đẳng.
Cố gắng học hành thật tốt vì tương lai sau này của chính mình cũng là hành động tri ân lớn nhất đến những người đã đồng hành, hỗ trợ em viết tiếp ước mơ đến trường. Ước mơ của em Sùng Mí Thò sau khi ra trường là trở thành một kỹ thuật viên, xin việc vào làm những tập đoàn công ty điện tử lớn để kiếm tiền nuôi bố mẹ và xây dựng gia đình của mình.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh, hoàn cảnh gia đình éo le khiến em Nguyễn Xuân Nam đã lớn lên và trưởng thành ở trung tâm nhân đạo của tỉnh. Những tưởng con đường học tập của Nguyễn Xuân Nam sẽ sớm phải dừng lại nhưng nhờ sự kết nối của các nhà hảo tâm, của cộng đồng đến với Quỹ Tấm lòng Việt, Nguyễn Xuân Nam đã được đi học và đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Truyền hình.
Nam khoe: "Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Tấm lòng Việt và các nhà hảo tâm, em đã có cơ hội đến với con đường học tập và phát triển mới. Sau khi học xong, em nhận được suất học bổng nữa, đó là 1 chiếc xe máy. Đây là phương tiện cực kỳ quý giá, giúp em tự tin đi tìm việc làm. Trưởng thành trong môi trường học tập, môi trường công việc, đến nay, em đã có việc làm ổn định và đã có một gia đình nhỏ của mình tại Hà Nội".
Nguyễn Xuân Nam, Sùng Mì Thò chỉ là hai trong số nhiều học sinh đã nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Cùng em đến trường" - chương trình thiện nguyện được khởi xướng từ tháng 12/2014 do Quỹ Tấm lòng Việt và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là một trong những chương trình lớn và xuyên suốt nhằm mục đích đồng hành hỗ trợ về giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Sau 10 năm hoạt động, chương trình “Cùng em đến trường” đã kết nối, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ hàng chục trường học, hàng trăm lớp học, hàng nghìn suất học bổng cùng áo ấm, xe đạp, sách vở đồ dùng học tập cho học sinh đến trường, hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo góp phần vào công tác an sinh xã hội.
Với chương trình Cùng em đến trường, Quỹ Tấm lòng Việt đặt ra mục tiêu giai đoạn 2 (2025 - 2028) sẽ hỗ trợ cho hàng nghìn học sinh nghèo tại các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.
Bà Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Công Đoàn Giáo dục Việt Nam - kỳ vọng, trong giai đoạn tới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm của Quỹ Tấm lòng Việt, cũng như của các nhà hảo tâm để giúp đỡ hơn nữa cho nhà giáo, cho học sinh và cho các nhà trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tiếp tục hành trình gieo con chữ nơi vùng cao và giúp cho học sinh ở các vùng khó khăn viết tiếp được ước mơ của mình.
“Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11” vừa qua được mấy hôm và những dư âm vẫn còn khi ở đâu đó trên "dải đất hình chữ S", vẫn có rất nhiều nhà giáo vẫn đang khó khăn nhưng rất tâm huyết, trách nhiệm và kiên trì với sự nghiệp mà mình đã lựa chọn, đó là "gieo con chữ" cho những học sinh ở vùng khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Do đó, chúng tôi cũng hy vọng, các chương trình như thế này sẽ tiếp tục được lan tỏa, tiếp tục nhận được sự đóng góp, đồng hành của các nhà hảo tâm để giúp cho các thầy, cô giáo, các em học sinh vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và hoàn thành sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, bà Đặng Hoàng Anh nói.