Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua. Bão số 3 và mưa lũ sau bão cũng đã khiến 348 người chết, mất tích; 1.921 người bị thương; 231.851 nhà bị hư hỏng.
Về sản xuất nông nghiệp, có 190.358 ha lúa; 48.727 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 31.745 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết.
Siêu bão Yagi càn quét các tỉnh miền Bắc, đã gây thiệt hại nặng nề cho các DN thuỷ sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng... Ảnh: VASEP |
Đáng chú ý, có đến 305 sự cố đê điều trong đợt mưa lũ này, trong đó, 182 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên; 123 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra là trên 31.596 tỷ đồng. Hiện, các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thiệt hại do bão, lũ gây ra vẫn còn rất lớn, với những khó khăn, tồn tại. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể. Các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng được thiết kế và xây dựng chưa đảm bảo sức chống chịu được với cường độ bão, lũ lịch sử như vừa qua.
Dự báo, cảnh báo mưa lớn, nhiều nơi lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành. Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, tái định cư hay công tác chỉ đạo ứng phó.
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình còn một số tồn tại, bất cập như: Quy định về thời gian mùa lũ, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du.
Đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực Đồng bằng sông Hồng - Thái Bình, là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương cho việc khai thác, sử dụng bãi sông. Lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra trên toàn bộ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, tuy nhiên, công tác tuần tra canh gác đê tại một số địa phương chưa nghiêm túc, còn chủ quan, lơ là hoặc có nơi chưa xây dựng lực lượng quản lý đê chuyên trách theo quy định của Luật Đê điều.
Để ứng phó khẩn cấp với mưa lũ, sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp.
Trước mắt, đối với vùng đồng bằng, ven biển, tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều sông Hồng - Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ vì hiện nay, lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao.
Đối với khu vực miền núi phía Bắc, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn (nguy cơ cao có thể xảy ra sạt lở sau thời gian mưa lớn kéo dài, đất bão hoà nước.
Vê lâu dài, cần tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh bảo lũ quét, sạt lở đất; hoàn thành phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản.
Tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển đảm bảo chống chịu được với các trận bão rất mạnh như bão số 3 và kiểm tra, rà soát, có phương án xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí bị sự cố trong đợt mưa lũ vừa qua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó, tập trung hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn.
Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024; theo đó tại khoản 1 Điều 34 quy định "Tổ chức lại Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia".
Theo quy định của Luật, từ ngày 01/7/2024, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai không còn hoạt động. Do vậy, kiến nghị sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành. Trong đó, đề nghị giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương để triển khai thực hiện.