Thứ hai 23/12/2024 08:27

Quy hoạch điện VIII - Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết: Không đưa vào quy hoạch dự án bất hợp lý

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) phát huy lợi thế của các địa phương nhưng phải ưu tiên lợi ích quốc gia, an ninh năng lượng và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Địa phương đồng loạt gửi kiến nghị bổ sung

Thời gian qua, các tỉnh đồng loạt gửi kiến nghị bổ sung hàng loạt dự án điện vào Quy hoạch điện VIII, trong đó, đề nghị bổ sung hàng nghìn MW điện gió. Các địa phương đều cho rằng, họ có tiềm năng, lợi thế... nên đề nghị tăng thêm quy hoạch điện.

Đơn cử như tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Ngọc Hoa - cho biết, về năng lượng tái tạo, tỉnh Nghệ An được xác định có tiềm năng để phát triển điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Đặc biệt, về điện gió, Nghệ An có tiềm năng tương đối lớn như cụm điện gió Hoàng Mai, Nam Đàn. "Đề nghị Bộ Công Thương đánh giá lại sự phù hợp với tiềm năng thực tế; xem xét, đưa vào danh mục tiềm năng 7 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió để có cơ sở triển khai trong giai đoạn tới. Đồng thời, tiếp tục đề nghị đưa vào quy hoạch tiềm năng sinh khối Nghệ An là 250MW; tiềm năng kỹ thuật điện rác đề nghị 30MW để có cơ sở triển khai trong giai đoạn tới" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề xuất.

Lãnh đạo một số địa phương miền Trung cho rằng, khu vực miền Trung có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhưng nhu cầu tiêu thụ điện của khu vực lại thấp. Do đó, khi căn cứ vào phụ tải, khu vực được bố trí nguồn điện thấp. "Quy hoạch nguồn điện theo địa bàn tỉnh chứ không chỉ theo vùng" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm góp ý.

Sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phụ tải

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Nguyễn Phi Long - cho rằng, cần quy hoạch chi tiết, phân bổ nguồn điện đến cấp tỉnh. Ông nhất trí, nên hạn chế phát triển thủy điện ở miền Trung. Với Bình Định, có tiềm năng điện gió, ông bày tỏ mong muốn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ để xây dựng trang trại điện gió quy mô lớn ngoài khơi. "Bình Định có thuận lợi về hạ tầng lưới điện truyền tải bởi hiện có 3 trạm biến áp 220kV với tổng dung lượng 875MVA, tổng chiều dài đường dây 220kV là 192km, có liên kết các tỉnh lân cận và hệ thống điện lưới 110kV đảm bảo truyền tải hiệu quả. Vì vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, nâng cao cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là dự án điện gió ngoài khơi" - ông Nguyễn Phi Long nêu cụ thể.

Góp ý vào Dự thảo về việc hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn - nêu ý kiến, trong Đề án Quy hoạch chưa có quy hoạch cụ thể cho vùng miền, đặc biệt đối với điện gió. Do vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chỉ đạo bổ sung vào Quy hoạch điện VIII chỉ tiêu khối lượng năng lượng tái tạo và các công trình lưới điện truyền tải của tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, đề nghị xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII chỉ tiêu khối lượng năng lượng tái tạo tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 với tổng công suất 4.697MW.

Đưa vào quy hoạch nhiều sẽ gây lãng phí

Thời gian qua, số lượng lớn các dự án điện mặt trời và điện gió đã được thực hiện. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với tỷ lệ phù hợp, cân đối hợp lý dựa trên việc đảm bảo kết nối cung - cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Vì thế, Quy hoạch điện VIII sẽ không thể đáp ứng được hết yêu cầu của các địa phương. Quy hoạch sẽ tính toán đưa các dự án vào trên cơ sở phân bổ theo vùng, khu vực, tương xứng với nhu cầu của địa phương

Liên quan việc hàng loạt địa phương xin bổ sung các dự án điện mặt trời và điện gió vào Quy hoạch Điện VIII, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đã nhận được nhiều đề nghị bổ sung thêm dự án, đặc biệt những địa phương có tiềm năng về năng lượng tái tạo như mặt trời, gió. "Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta phát triển điện mặt trời, điện gió quá "nóng". Đồng thời, năng lượng tái tạo chỉ sử dụng ở thời điểm nhất định, không phải dùng bao nhiêu cũng được, nên cần cân đối các nguồn điện khác để phát huy được tiềm năng của năng lượng sạch. Vì vậy, Bộ Công Thương không thể đáp ứng được nhiều đề nghị của địa phương" - lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nêu quan điểm.

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trước đó, nhiều dự án đã có trong Quy hoạch điện VI và Quy hoạch điện VII điều chỉnh phải rà soát, loại ra ngoài. Nếu đưa vào quy hoạch những cái cũ, không hợp lý, không còn chỗ cho những cái mới, không khắc phục được những tồn tại. Một số dự án đưa vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã trình vào tháng 3/2021 nhưng chưa phù hợp cũng cần tính toán để đưa ra ngoài.

Phó Thủ tướng lưu ý, nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp, địa phương rất lớn. Đến năm 2030, đăng ký quy hoạch khoảng gần 520.000MW, gấp 3,5 lần dự kiến tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia năm 2030. Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch điện VIII phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. "Nếu đưa vào quy hoạch nhiều quá, sau này sẽ gây lãng phí, hiệu quả khai thác của các nhà máy sẽ thấp" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với tinh thần "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết", trước hết, đảm bảo an ninh năng lượng, khoa học, hiệu quả, quy hoạch không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương với số lượng đăng ký lớn như vậy.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, mỗi địa phương phải xác định, vừa phát triển cho địa phương, nhưng đồng thời phải phát triển cho đất nước, vì lợi ích người dân. "Nếu phát triển điện cho địa phương nhưng phải vận chuyển điện đi xa, giá thành sẽ cao, khi đó, người dân lại phải gánh mức giá cao này" - Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm.

Quy hoạch điện VIII phải khắc phục những tồn tại của Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh; phù hợp với định hướng phát triển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đảm bảo tính khách quan, hiệu quả cao nhất để có giá thành điện phù hợp nhất cho nhân dân.

Kỳ III: Giải bài toán "cân đối" nguồn điện

Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Quy hoạch điện VIII

Tin cùng chuyên mục

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Nam Cấm

70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bộ Công Thương rốt ráo chuẩn bị đưa Luật Điện lực vào thực thi

EVN tiếp tục nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ khách hàng năm 2025

Tăng cường cấp điện cho Hà Nội qua dự án truyền tải điện hơn 1.600 tỷ đồng

Công ty Điện lực Cao Bằng: Lan tỏa nghĩa tình ngành điện

Chỉ thị của Bộ Công Thương về bảo đảm cung cấp điện trong các dịp Lễ, Tết và năm 2025

EVNGENCO2 tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các dự án, nhà máy điện tại Lào

Tuyên Quang: Hoàn thành các công trình điện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

Xuất xưởng máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất

EVNNPT tăng cường khả năng truyền tải điện cho nhiều tỉnh miền Trung - Nam

Hội nghị Người lao động EVNGENCO2 năm 2024: Phát huy quyền dân chủ của người lao động

Gỡ vướng năng lượng tái tạo: Doanh nghiệp đánh giá cao 6 nhóm giải pháp của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Nhà máy Thủy điện Quảng Trị tích nước phục vụ sản xuất kinh doanh và cấp nước hạ du năm 2025

Hoà lưới thành công tổ máy 2 thuỷ điện Ialy mở rộng vượt tiến độ 18 ngày

Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 kỷ niệm 20 năm hoạt động

Long An và EVNNPT tìm giải pháp gỡ vướng hàng loạt dự án truyền tải điện

Đánh thức giấc mơ 'ngủ đông' điện hạt nhân: Bài 5 - Xây dựng nguồn nhân lực tự chủ - cách nào?

Công ty Điện lực Lạng Sơn: Tặng tivi, lắp đèn năng lượng mặt trời trong Tháng tri ân khách hàng

Yên Bái: Đốc thúc tiến độ khởi công dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên