Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII |
Ngày 19/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trình bày, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Quy hoạch điện VIII ngày 5/11/2021, Bộ Công Thương thực hiện tính toán bổ sung thêm phương án phát triển nguồn điện (phương án điều hành tháng 11/2021) có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỷ lệ thực hiện nguồn điện không đạt 100% so với quy hoạch, đồng thời xem xét giảm nguồn điện than theo tinh thần của hội nghị COP26, để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, địa phương và các chuyên gia, các nhà khoa học.
So với dự thảo Quy hoạch tháng 3/2021, phương án điều hành trong dự thảo tháng 11/2021 đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại hội nghị COP26. Cụ thể, công suất nguồn đến năm 2030 giảm khoảng 24.000 MW (từ khoảng 180.000 MW xuống 156.000 MW), đến 2045 giảm khoảng 36.000 MW (từ 369.500 MW xuống 333.500 MW).
Theo đó, đối với điện mặt trời, có hiệu quả cao về giá thành nhưng hạn chế của điện mặt trời là chưa có dự trữ, do đó sẽ xem xét lại việc phát triển điện mặt trời, hiện có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế và chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng. Còn đối với điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục tính toán cân đối nguồn, tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa, hạn chế thấp nhất truyền tải điện liên vùng, bảo đảm dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị (Ảnh VGP/Đức Tuân) |
Cũng tại hội thảo, cơ bản các ý kiến đánh giá cao dự thảo Quy hoạch lần này thể hiện sự chuẩn bị khá công phu. Cùng với đó, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm xác định tổng công suất nguồn và tỷ lệ dự phòng phù hợp; bố trí nguồn điện hợp lý, cân đối giữa các vùng, miền để tiết kiệm tối đa đầu tư hệ thống truyền tải; giải pháp và lộ trình chuyển đổi từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tỷ lệ từng loại nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia.
Ông Hoàng Xuân Lương, đại diện Ban điều hành Liên minh Năng lượng bền vững tại Việt Nam (VSEA) cho rằng, chúng ta đứng trước thời cơ đón bắt bước phát triển quốc tế để tiến nhanh hơn vào phát triển xanh. Do đó, ông Lương kiến nghị, cách xây dựng quy hoạch là không bó cứng sự phát triển. Trong quy hoạch, chúng ta chỉ nên xây dựng mục tiêu tổng công suất, còn cơ cấu chi tiết thì để các địa phương sắp xếp phù hợp.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh góp ý, cần xác định vừa qua chưa phát triển năng lượng xanh là do nguồn vốn hay do cơ chế, chính sách. Về an ninh năng lượng, nên đưa vào chính sách về an ninh năng lượng tự nhiên như gió, biển, mặt trời,... với thứ tự ưu tiên phát triển trong quy hoạch.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, từ kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia hội nghị với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, đã quan tâm, phát biểu, có sự tập trung cao. Phó Thủ tướng ghi nhận và tiếp thu toàn bộ ý kiến của các chuyên gia.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Quy hoạch điện VIII đã làm rất kỹ, trình tự các bước như xin ý kiến bộ ngành, chuyên gia và đây là kịch bản thứ 3 được trình Chính phủ trên cơ sở đã tính toán kỹ các phương án và đạt hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với tầm quan trọng của Quy hoạch điện VIII, đặc biệt trong tình hình hiện nay, với sự bùng nổ của cách mạng khoa học công nghệ, sự tiến bộ của ngành năng lượng thế giới, Bộ Công Thương sẽ hoàn tất lại hồ sơ Quy hoạch điện VIII, trên cơ sở đó tổ chức thêm các hội thảo với các ngành và địa phương.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số tổ chức quan tâm đến phát triển năng lượng |
Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch điện VIII cần được thiết kế để đảm bảo 3 yếu tố sau: Thứ nhất, đảm bảo an ninh năng lượng; Thứ hai, phù hợp với tiến bộ và tốc độ phát triển khoa học công nghệ hiện nay và thứ ba, đáp ứng hiệu quả kinh tế xã hội, đời sống, giá thành cho doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng điện gió trong tổng cơ cấu. Các chuyên gia cũng đồng thuận cao về việc không tính điện mặt trời vào tổng cân đối của hệ thống điện quốc gia do đặc điểm hạn chế về thời điểm, thời gian và đặc tính không ổn định, chưa có giải pháp lưu trữ ổn định của loại hình năng lượng này. Do đó, sẽ khuyến khích phát triển điện mặt trời để đáp ứng các yêu cầu tự sản xuất, tự tiêu dùng.
Phó Thủ tướng cũng nhất trí với nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học về việc dự thảo Quy hoạch điện VIII đã có bước định hình quan trọng về tư duy và giải pháp bố trí nguồn điện phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền; hạn chế tối đa đầu tư đường dây và thất thoát trong công tác truyền tải. Theo đó, đã giảm hơn 6.600 km đường dây truyền tải, tương đương khoảng hơn 250.000 tỷ đồng đầu tư.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, bám sát để có lộ trình phù hợp thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải các bon, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp để sử dụng hiệu quả, hợp lý hơn nguồn năng lượng mặt trời, trong đó ưu tiên phát triển các công nghệ lưu trữ; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp tại các khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời; có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi; cơ chế huy động nguồn vốn để phát triển nguồn điện.
Với dự thảo Quy hoạch Điện VIII được thống nhất đã xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 MW, giảm hơn 28.000 MW so với phương án trình tháng 3/2021, tương đương giảm gần 800.000 tỷ đồng đầu tư. Nếu không tính điện mặt trời, hệ số dự phòng toàn quốc giảm từ hơn 69% xuống còn 43%, bảo đảm an toàn hệ thống điện. |