Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hỗ trợ kịp thời người lao động gặp khó khăn |
Theo đó, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).
Như vậy, trong thời gian này, thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp sẽ dùng số tiền đó để chăm lo người lao động trong phòng chống dịch.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ được nhận xét rất thiết thực, giúp người lao động, doanh nghiệp có sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết, nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh… Đây cũng là những địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm đóng lớn.
Tại tỉnh Đồng Nai, địa phương có gần 11.000 doanh nghiệp với hơn 750.000 người lao động thuộc diện hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ngay sau khi có hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai trên địa bàn. Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo, bám sát các đơn vị sử dụng lao động để tư vấn, hướng dẫn thực hiện rà soát thống kê số doanh nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ.
Tính đến hết năm 2021, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Nai đã giảm mức đóng cho 9.557 đơn vị, tương ứng 708.786 người lao động, số tiền luỹ kế là 154,42 tỷ đồng (100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ).
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, đến ngày 19/7/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện xong việc điều chỉnh giảm tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 6.606 doanh nghiệp; tổng số tiền tạm tính được giảm mức đóng 12 tháng là hơn 140 tỷ đồng.
Còn tại Quảng Ninh, có gần 6.000 doanh nghiệp được hỗ trợ giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền tạm tính trong 12 tháng là trên 63 tỷ đồng.
Đến hết năm 2021, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.693 doanh nghiệp, với số tiền gần 35 tỷ đồng.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bảo hiểm xã hội thành phố đã vào cuộc với sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn.
Theo đó, để hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ từ 2 ngày và 4 ngày xuống còn 1 ngày làm việc.