Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Yên Bái: Bài học đắt giá về kỷ luật an toàn lao động Quảng Ninh: Cảnh báo tình trạng tai nạn lao động gia tăng |
Nỗi đau dai dẳng
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng năm 2023 cả nước vẫn xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 699 người thiệt mạng. Tổng chi phí cho tai nạn lao động, thiệt hại tài sản lên tới 16.357 tỷ đồng và gần 150.000 ngày công (chỉ tính trong khu vực có quan hệ lao động). Còn ở khu vực không có quan hệ lao động, tình hình tai nạn lao động có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Cảnh báo về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Ảnh minh họa) |
TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, những lĩnh vực tình trạng tai nạn lao động vẫn còn ở mức cao hiện nay là xây dựng (gần đây xảy ra nhiều vụ thảm khốc), chế biến - sản xuất vật liệu xây dựng (khai thác đá, vật liệu xây dựng thông thường)… Có những vụ tai nạn lao động không dễ dàng mắt thấy, tay sờ mà diễn ra âm thầm, nguy hiểm, như vụ việc 6 người chết, 62 người đã và đang làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến (Nghệ An) mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Vụ này nghiêm trọng không kém gì tai nạn lao động tại Yên Bái, vì ngoài 6 người chết thì có 62 người được giám định suy giảm khả năng lao động từ 31 - 80%.
Phần lớn những người bị tai nạn lao động là trụ cột trong gia đình nên khi họ mất đi hoặc bị tai nạn mất sức lao động thì mọi gánh nặng dồn lên vai người thân trong gia đình. Những người may mắn thoát chết sau đó cũng phải chịu nhiều nỗi đau để duy trì sự sống và chữa trị vết thương. Để điều trị, nhiều tài sản trong nhà lần lượt "ra đi", thậm chí phải vay nặng lãi. Bởi thế, tai nạn lao động luôn là nỗi đau dai dẳng, hậu quả nó để lại là vết thương cả thể xác lẫn tinh thần và gánh nặng mưu sinh cho mỗi gia đình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình tai nạn lao động vẫn còn ở mức cao, đó là do kinh tế - xã hội phát triển, số lượng doanh nghiệp tăng lên, cần sử dụng nhiều lao động. Số vụ tai nạn lao động, số người bị tai nạn và số thiệt mạng trong khu vực có quan hệ lao động từ năm 2017 bắt đầu chững lại, giảm về tần suất, nhưng con số tuyệt đối thì vẫn bình bình, do quy mô thị trường lao động tăng lên (mỗi năm 1 triệu người). Tình trạng này có nguy cơ tăng cao khi nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã đầu tư xây dựng đến nay đã hơn 20 năm; hệ thống công nghệ, tư duy quản trị cũng xuất hiện những lỗ hổng…
Lỗi không chỉ ở người lao động
Mỗi vụ tai nạn lao động xảy ra đều dẫn đến những hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội. Trong khi đó, tai nạn lao động hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu doanh nghiệp, người lao động ý thức hơn trong chấp hành quy định về an toàn lao động.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá: Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đảm bảo điều kiện an toàn lao động nhưng cũng có những doanh nghiệp không quan tâm đảm bảo sau thời gian giãn cách vì dịch Covid-19 nên việc tập huấn, tăng cường công tác an toàn lao động có bị gián đoạn. Vì thế đã gây nên một số tai nạn lao động đáng tiếc như thời gian qua. Điều này càng cho thấy cần phải tăng cường công tác huấn luyện và kiểm tra về an toàn lao động.
Thực tế qua các vụ tai nạn lao động ở Yên Bái, Nghệ An… cho thấy, doanh nghiệp chưa xây dựng được giải pháp an toàn, tổ chức sản xuất, tổ chức bảo trì bảo dưỡng. Chẳng hạn như vụ tai nạn lao động tại Yên Bái, khi tai nạn xảy ra, dường như họ không có biện pháp nào để kịp thời ngăn cỗ máy dừng lại.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến bày tỏ, lỗi trước hết thuộc về ý thức của người lao động chưa tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh lao động nên mới dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động cho rằng, chúng ta không nên đổ lỗi cho người lao động. Nếu người lao động thiếu ý thức hay thiếu kiến thức, kỹ năng thì đều là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Bởi trong luật đã quy định khi nào “huấn luyện thành thục” cho người lao động đủ để vận hành hệ thống công nghệ, công việc đó thì mới bố trí làm việc.
“Đây là câu chuyện của con người với con người. Hiến pháp đã quy định rõ con người có quyền được lao động trong điều kiện an toàn. Chính những người lao động là lực lượng đang giúp “ông chủ” giàu có và thịnh vượng. Người lao động còn thì doanh nghiệp mới phát triển được. Phải coi người lao động như người thân của mình. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, chủ đầu tư chỉ quan tâm tới năng suất, tiến độ, hiệu quả công việc của mình mà quên hoặc coi thường tính mạng, sức khỏe của người lao động”, TS. Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.
Để đảm bảo an toàn, bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc, quy trình vận hành các loại máy móc, thiết bị có nguy cơ cao; phải tổ chức kiểm soát, kiểm tra định kỳ máy móc, thiết bị. Đặc biệt, trong quá trình vận hành, phải có thông báo, biển báo về tình trạng, các bước đang thực hiện… không để bước nào thừa trong quy trình kỹ thuật đã đề ra; người thực hiện không được phép chủ quan, lơ là khi thực hiện các quy trình đó, không làm tắt.
Quan trọng nhất phải tập huấn thường xuyên để người lao động nâng cao kỹ năng xử lý các sự cố mất an toàn lao động. Nếu người lao động không được thực hành các quy trình sẽ dẫn đến thiếu hiểu biết hoặc lúng túng, không kiểm soát được hành vi của mình, làm cho việc xử lý sự cố có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, việc giảm giờ làm cho người lao động cũng chính là tạo điểu kiện để họ phục hồi sức lao động, tránh (giảm) nguy cơ tai nạn lao động, giảm căng thẳng, có thời gian giành cho gia đình, chăm sóc sức khỏe.
Năm 2024, Công đoàn Việt Nam tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri tại mỗi địa phương để đại biểu Quốc hội có thể lắng nghe ý kiến, đề xuất của người lao động về các vấn đề, trong đó có an toàn lao động, phục vụ cho quá trình xây dựng luật. Tại các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở sẽ tăng cường đối thoại với chủ sử dụng lao động về tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, đặc biệt là yêu cầu các biện pháp đảm bảo an toàn cho lao động. |