Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư 3 công trình đường bộ cao tốc
Cụ thể, đó là 3 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - đoàn Sóc Trăng bày tỏ đồng tình cao với việc đầu tư 3 Dự án xây dựng đường bộ cao tốc nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn Sóc Trăng phát biểu tại phiên họp |
Theo đại biểu, các Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.
Đối với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đại biểu cho biết, hiện nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án thi công lớn. Theo đó, đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố. Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam cũng thống nhất với sự cần thiết đầu tư 3 Dự án đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, trong triển khai dự án cần có trình tự ưu tiên rõ ràng, cần ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn quá ít đường cao tốc, đồng thời, cũng cần ưu tiên hoàn thành những dự án còn đang dang dở nhiều năm.
Về nguồn vốn địa phương đầu tư cho dự án, đại biểu cho rằng, có những địa phương điều kiện còn khó khăn, không đảm bảo được nguồn kinh phí, nên cần có tính toán, phân tích kỹ để chia sẻ những khó khăn với các địa phương, cần có sẵn phương án ứng phó khi địa phương không thể đối ứng được nguồn vốn để thực hiện dự án.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần chú trọng đấu nối giữa các con đường này với những đường cao tốc đã mở, để phát huy hiệu quả của các dự án quan trọng này, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ những địa phương có các tuyến cao tốc đi qua.
Đại biểu Trình Lam Sinh - đoàn An Giang đồng tình cao Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án xây dựng công trình đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, tuyến đường này sau khi hình thành sẽ có năng lực vận hành lớn, tốc độ cao và an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải và tạo sức lan tỏa động lực, dư địa để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Là trục ngang trung tâm, kết nối các trục dọc vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, đại biểu nhấn mạnh, hai đầu của dự án sẽ kết nối cảng biển nước sâu trong tương lai để ra Biển Đông, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Campuchia và khu vực Đông Nam Á.
“Đây là dự án mang tính cấp thiết, không chỉ hình thành hành lang giao thông mà còn tạo ra một hành lang kinh tế Tây, Bắc, Trung, Nam dọc theo sông Hậu, trung tâm phát triển nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long” - đại biểu Trình Lam Sinh khẳng định.
Theo đó, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị, cần phải cócơ chế đặc thùđể đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, đề xuất triển khai thi công trong năm 2023. Bên cạnh đó, hiện nay giá nhiên liệu trong nước đều tăng đột biến do ảnh hưởng của các diễn biến phức tạp trên thế giới, tổng mức đầu tư các dự án thành phần chắc chắn sẽ có sự thay đổi quyết định đầu tư.
Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư của dự án. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần kiểm tra, rà soát và báo cáo Quốc hội cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thay đổi mức tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong quá trình triển khai để đảm bảo tiến độ.