Thứ hai 23/12/2024 00:10

Quốc hội chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Chiều 27/11, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chiều 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

Trước khi tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Ông Lê Quang Huy cho biết, ngày 26/10/2023, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại hội trường về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 14/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp 6. Ngày 25/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 699/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội.

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), ông Lê Quang Huy cho hay, có ý kiến đề nghị tăng cường công tác hậu kiểm, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý tài nguyên nước mặt và giao Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: Phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.

Có ý kiến đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý để xác định dòng chảy tối thiểu, về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định dòng chảy tối thiểu trong dự thảo Luật được kế thừa từ Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thuỷ điện và được triển khai thực hiện ổn định nhiều năm qua. Do đó, đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc quy định về dòng chảy tối thiểu.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4).

Khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6); ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước (khoản 1 Điều 39); khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1 Điều 39), đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Mục 2, Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lượng nước được cấp phép để có thể linh động hơn trong điều kiện bình thường và bất thường như tại điểm h khoản 2 Điều 42 vì giấy phép khai thác nước chỉ quy định một giá trị lưu lượng trong điều kiện khai thác bình thường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc điều chỉnh lưu lượng khai thác trong điều kiện bình thường đã được thể hiện trong giấy phép thông qua hạn ngạch khai thác nước được quy định điểm d khoản 1 Điều 41 và điều kiện bất thường thông qua phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 51.

Về kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước (Mục 3, Chương IV), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 5 Điều 53 dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đồng thời, quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình thuỷ lợi chậm nhất là ngày 30/6/2027, quy định tại khoản 6 Điều 86 dự thảo Luật.

Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Mục 4, Chương IV), có ý kiến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ.

Đồng thời, khoản 4 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao UBND cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước (Chương VI), có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện hoạt động quy định tại Điều 72 và Điều 74 dự thảo Luật.

Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm: Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân tại khoản 5 Điều 34.

Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước tại khoản 4 Điều 72; xã hội hóa hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm tại điểm a khoản 1 Điều 74 thông qua ưu đãi đầu tư và kêu gọi sự tham gia của xã hội thông qua việc bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước theo hình thức đối tác công tư.

Bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 Chương Bảo vệ và phục hồi nguồn nước bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với các sông: Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).

Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn phong, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 07 Điều, bỏ 04 Điều, tăng 03 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

Thủ tướng: Cần tạo đột phá về ngoại giao kinh tế

Tổng kiểm kê tài sản công, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn

Việt Nam - Singapore: Hướng tới nâng cấp khuôn khổ quan hệ song phương

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Xứng đáng với truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội luôn luôn đồng cam, cộng khổ với nhân dân trong mọi lúc, mọi nơi

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Báo Công Thương là 'cầu nối' lan tỏa thông tin các hoạt động của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài