Quảng Ninh: Bảo đảm ổn định thông suốt thương mại qua các cửa khẩu với Trung Quốc
Chủ động, linh hoạt thích ứng trong tình hình mới
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 các cấp, các ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để triển khai nhiệm vụ bằng những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Đặc biệt, đối với hoạt động xuất nhập khẩu, với sự chỉ đạo quyết liệt, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện có hiệu quả “vùng xanh an toàn” tại các cửa khẩu biên giới, lối mở. Đây được xem là tiền đề quan trọng để duy trì và thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa…
Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Sở Công ThươngQuảng Ninh luôn song hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, nỗ lực trong quá trình sản xuất, kinh doanh, vận dụng tốt những ưu đãi do các Hiệp định thương mại đem lại.
Cụ thể, ngành Công Thương Quảng Ninh thường xuyên chủ động làm việc, nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành điện, than, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng tối đa sản lượng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Hoạt động xuất nhập khẩu được bảo đảm thông suốt giữa Việt Nam và Trung Quốc qua một số cửa khẩu tại tỉnh Quảng Ninh - Ảnh minh họa |
Đồng thời, Quảng Ninh tích cực tham gia các kỳ họp của Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt - Trung, cụ thể: Tại 4 kỳ họp (lần 1 vào ngày 6/01/2022, lần 2 vào ngày 26/01/2022, lần 3 vào ngày 18/4/2022, lần 4 vào ngày 21/7/2022) do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương (Việt Nam) hội đàm với Vụ Châu Á, Bộ Thương mại (Trung Quốc). Trong hội nghị, Sở Công Thương đã kiến nghị phía Trung Quốc các giải pháp thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, như: Khôi phục hoạt động thông quan tại lối mở km3+4, cửa khẩu Ka Long, cửa khẩu Bắc Phòng Sinh, cửa khẩu Hoành Mô, giải phóng hàng hóa, phương tiện ùn ứ cục bộ tại cửa khẩu, nâng cao thời gian mở cửa khẩu với các địa phương tại Trung Quốc.
Tiếp đến, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) vào ngày 25/02/2022, Sở Công Thương các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã thực hiện ký kết Thỏa thuận khung về hợp tác thông quan tại cửa khẩu. Sau khi khi ký kết thỏa thuận, Sở Công Thương Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 103/KH-UBND ngày 30/3/2022 về Thực hiện thỏa thuận về hợp tác thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh, nhằm tạo thuận lợi thông quan hàng hóa được ổn định, không bị gián đoạn.
Đồng thời, việc ký thỏa thuận khung hợp tác tăng cường thông quan trong góp phần triển khai thực hiện hiệu quả thông cáo chung về tăng cường hơn nữa, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung. Các thỏa thận được ký kết và thực hiện đã góp phần đảm bảo vận hành cửa khẩu đồng bộ, an toàn, ổn định, đẩy mạnh thông suốt thương mại cửa khẩu biên giới, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa giữa 3 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) với Quảng Tây (Trung Quốc) trong tình hình mới.
Duy trì, bảo đảm ổn định lưu thông hàng hóa
Nhờ những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ninh, vì vậy, hiện các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc đã hoạt động trở lại, cụ thể: Ngày 26/4/2022, các cửa khẩu Bắc Luân II (Móng Cái) và cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) thông quan trở lại. Ngày 30/5/2022 thông quan lối mở biên giới Km3+4 (Móng Cái). Từ ngày 17/6/2022 phía Trung Quốc khôi phục thông quan trở lại đối với hàng chuỗi lạnh tại lối mở Km3+4 Hải Yên và cửa khẩu cầu Bắc Luân II. Ngày 17/6/2022, cửa khẩu Ka Long, thành phố Móng Cái chính thức thông quan trở lại sau hơn 3 năm tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.
Đến ngày 26/9/2022, cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) – Lý Hỏa (thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) chính thức thông quan trở lại sau hơn 7 tháng tạm dừng hoạt động. Phương tiện thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trong năm 2022 đạt 114.660 lượt xe, trong đó: Xuất cảnh 57.859 xe; nhập cảnh 56.801 xe. Riêng trong 8 tháng năm 2023 đạt 174.465 lượt xe, trong đó: Xuất cảnh 87.836 xe; nhập cảnh 86.629 xe, không có tình trạng phương tiện ùn ứ tại cửa khẩu.
Chính nhờ những nỗ lực này, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 2.783 triệu USD, tăng 8,58% cùng kỳ, đạt 100% kịch bản tăng trưởng. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: xơ, sợi bông, dăm gỗ, đất hiếm, quần áo, clinker...
Riêng trong 8 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 1,993 tỷ USD tăng 13,8%. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh 8 tháng ước đạt 2,068 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp |
Chỉ tính riêng tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái từ ngày 01/01/2023 đến nay, Chi cục Hải quan đã làm thủ tục cho 47.685 tờ khai với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu là 2,1 tỷ USD (trong đó: kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 0,7 tỷ USD), thu ngân sách nhà nước đạt 956 tỷ đồng; tăng 100% về tờ khai, tăng 5% về kim ngạch và tăng 15% về thu ngân sách so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch bình quân hàng năm 3,0 tỷ USD/năm.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 cơ bản ổn định và được kiểm soát tốt, các cặp cửa khẩu quốc tế tiếp giáp với Trung Quốc đã từng bước hoạt động ổn định trở lại, thông thoáng. Vì vậy, để duy trì sự ổn định đối với hàng hóa, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã và đang cùng với các cấp, ngành tiếp tục thông tin, nắm bắt tình hình tại các cửa khẩu biên giới; Theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình chính sách biên mậu, chính sách tiền tệ của phía Trung Quốc, kịp thời dự báo, nhận định và triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, ổn định hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn.
Song song với đó là việc chỉ đạo các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu không để xảy ra hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hàng xuất khẩu, đặc biệt tận dụng công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến thương mại. Trong đó, triển khai kết nối doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, các sản phẩm có khả năng và nhu cầu xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc thông qua các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về thị trường xuất, nhập khẩu; các cơ hội giao thương; tìm kiếm đối tác bạn hàng để xuất khẩu sản phẩm. Tiếp tục nắm bắt thông tin kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ, đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn, hạn chế tối thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.