Mặc dù tỉnh Quảng Ngãi nằm trong nhóm các tỉnh có nguy cơ thấp đối với dịch Covid-19, song ảnh hưởng đến mặt kinh tế, đời sống xã hội do dịch gây ra tại địa phương này lại khá nặng nề, nhiều doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguyên liệu sản xuất và nguồn lao động do địa phương này tập trung nhiều khu công nghiệp lớn như Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp tỉnh, VSIP-Quảng Ngãi có hàng trăm dự án, với hàng ngàn công nhân và các chuyên gia nước ngoài tham gia.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tuy duy trì được sự phát triển nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực kinh tế nhà nước giảm 3,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,8%. Song bên cạnh một số kết quả tích cực như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 109,5% so với cùng kỳ năm 2019, thì nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, thách thức do dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp FDI, ngành dệt may, điện tử, giày da thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào do chủ yếu nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu bị ngưng trệ sản xuất và giảm tiêu thụ như tinh bột mỳ, thủy sản chế biến, dăm gỗ nguyên liệu giấy, bánh kẹo các loại...
Nhiều doanh nghiệp khó khăn nên phải cắt giảm hợp đồng với người lao động |
Công tác thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi cũng gặp nhiều khó khăn và khó đạt kế hoạch do dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh mới thu đạt 5.297 tỷ đồng, bằng 28,5% dự toán năm. Dự kiến, trong năm 2020, sẽ hụt thu nội địa khoảng 5.500 tỷ đồng.
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ có 203 doanh nghiệp đăng ký mới, trong khi đó có tới 188 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và 33 doanh nghiệp giải thể tự nguyện do đại dịch.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng lớn người lao động, chuyên gia nước ngoài không thể trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, dự án. Nhiều doanh nghiệp khó khăn, nên phải cắt giảm hợp đồng lao động. Từ đầu tháng 4/2020, có khoảng 4.458 lao động nghỉ việc tạm thời và hơn 1.401 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong các doanh nghiệp tại Quảng Ngãi, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất bị ảnh hưởng nhiều nhất; việc lắp đặt máy móc thiết bị và vận hành, chạy thử dây chuyền sản xuất 2 triệu tấn của Thép Hòa Phát không thể thực hiện, làm chậm tiến độ của dự án từ 4 - 5 tháng. Được biết, hiện giá dầu thô giảm sâu cùng với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Bà Trần Thị Mỹ Ái - Giám đốc Sở KH&ĐT - cho hay, dưới tác động của dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp trong tỉnh phải cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, sản xuất cầm chừng để giữ lao động. Hàng tồn đọng nhiều do không xuất khẩu được, lượng tiêu thụ trong nước hạn chế, trong khi các khoản thuế, phí, giá nguyên vật liệu cũng là một rào cản, ảnh hưởng lớn đến một số ngành sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi - ông Hà Đức Thắng - cho hay: Trước những khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn, Ban Quản lý đã kiến nghị tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, như gia hạn visa cho chuyên gia, lao động người nước ngoài làm việc tại các dự án lớn trong KKT Dung Quất. Vừa qua, Ban Quản lý cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương rà soát, tổng hợp danh sách người lao động làm việc tại doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ gửi về Sở LĐ-TB&XH để được hỗ trợ.
Khu công nghiệp VSIP - Quảng Ngãi |
Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, trong thời gian qua, ngoài việc tỉnh đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với mục tiêu kép là vừa thực hiện các biện pháp chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và an sinh xã hội. Quảng Ngãi đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền về chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí logistics. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ mặt hàng nông sản xuất khẩu với thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, giới thiệu các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc để tiêu thụ các mặt hàng này, giảm bớt sự bấp bênh do phụ thuộc vào một thị trường; chủ động, can thiệp vào hệ thống các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp logistics, các hiệp hội, tập đoàn bán lẻ… hỗ trợ thu mua, bảo quản, tiêu thụ nông sản nói chung.