Quảng Nam: Kiên quyết xử lý sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản
Công tác quản lý gặp nhiều khó khăn
Huyện Đại Lộc là địa phương có nhiều mỏ khai thác khoáng sản của tỉnh Quảng Nam. Tính đến giữa tháng 5/2022, huyện Đại Lộc có 7 đơn vị được cấp phép đang còn thời gian hoạt động khai thác khoáng sản các loại, trong đó có 3 đơn vị khai thác khoáng sản cát, sỏi còn hoạt động, gồm: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê (xã Đại Sơn), Công ty Cổ phần Trường Lợi (xã Đại Hồng), Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Nguyên Thịnh Phát - Chi nhánh Đại lộc (xã Đại Đồng).
Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đại Lộc - ông Võ Ngọc Tốt cho biết, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản trong thời gian qua cơ bản thuận lợi. Đa số các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, góp phần từng bước đưa hoạt động khoáng sản đi vào ổn định, nề nếp.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, theo dõi hoạt động khai thác khoáng sản đối với các mỏ cũng gặp phải một số khó khăn. “Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lén lút lợi dụng và cố tình vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường khi không có lực lượng cơ quan chức năng tuần tra, kiểm tra, giám sát. Có hành động đối phó khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra hoặc bố phòng lực lượng theo dõi nhất cử, nhất động của Đoàn kiểm tra liên ngành và cơ quan chủ trì là Phòng Tài nguyên và Môi trường”, ông Tốt cho hay.
Vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lén lút lợi dụng và cố tình vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Đại Lộc |
Các doanh nghiệp còn một số hành vi vi phạm như: cắm mốc ranh giới, các điểm góc khép kín mỏ không đầy đủ, để mất mốc; Mở moon không đúng vị trí, hướng khai thác; chậm lập báo cáo quan trắc đánh giá tác động môi trường định kỳ,… Ngoài ra, các đơn vị khai thác quá giờ quy định trong ngày; khai thác vượt công suất thiết kế; đưa ống máy hút hút ngoài vị trí ranh giới mốc mỏ; cho xe có tải trọng lớn (vượt tải trọng) đăng ký vào bãi nhận cát, không tưới nước đường nội bộ mỏ gây bụi khi xe tải di chuyển ra vào mỏ; để xe vận chuyển khoáng sản rơi vãi trên giao thông,…
“Đối với các nội dung vi phạm trên, khi Đoàn kiểm tra liên ngành hoặc cơ quan chức năng phát hiện sẽ lập biên bản ghi nhận toàn bộ hiện trường, mời doanh nghiệp làm việc xác định hành vi vi phạm hành chính, áp dụng điều, khoản tại các Nghị định của Chính phủ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Tốt cho biết thêm.
Xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, thời gian đến, Phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho biết sẽ phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành và các cơ quan, ban ngành chức năng làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tiếp tục quán triệt chủ trương của Huyện ủy, các biện pháp và văn bản chỉ đạo của UBND huyện về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa. Buộc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ký cam kết thực hiện đúng, đầy đủ và nghiêm túc, không vi phạm các văn bản chỉ đạo của UBND huyện, Quyết định cấp phép khai thác của UBND tỉnh Quảng Nam cũng như quy định của pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản, môi trường.
UBND huyện Đại Lộc yêu cầu các chủ mỏ, bến, bãi phải thực hiện bắt buộc đầu tư lắp đặt, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng và duy trì hoạt động thường xuyên hệ thống trạm cân và camera giám sát đầy đủ theo quy định. |
Xử lý nghiêm các trường hợp cơi nới thành, thùng xe, chở quá tải trọng cho phép, chở khoáng sản rơi vãi trên đường gây ô nhiễm môi trường thuộc các tuyến đường phân cấp quản lý. |
Ông Trần Tạ Công Duẩn - Cán bộ quản lý mỏ Công ty Cổ phần Trường Lợi (hiện đang khai thác cát, sỏi tại khu vực thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng) cho hay: “Khu vực mỏ cát được bố trí đầy đủ camera giám sát, trạm cân, hoạt động khai thác diễn ra từ 7h00 - 17h00 theo quy định. Trường hợp camera giám sát gặp sự cố thì chúng tôi sẽ tạm dừng hoạt động khai thác để khắc phục sự cố xong mới đi vào hoạt động trở lại theo văn bản chỉ đạo của UBND huyện và Phòng TN&MT huyện Đại Lộc”.
Đối với Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Tân Phước Yên (hiện có bến bãi cát tại thôn Quảng Huế, xã Đại An), Phó Giám đốc Công ty - Ông Hồ Tùng Viễn cho hay, công ty đã tiến hành kiểm tra, triển khai lắp đặt camera giám sát tại các khu vực bãi tập kết, lắp đặt trạm cân và camera tại trạm cân để giám sát tải trọng xe ra vào.“Để đảm bảo vệ sinh môi trường, chúng tôi yêu cầu các xe khi nhận cát xong phải phủ bạt cẩn thận, đơn vị cũng làm các hố nước, làm sạch xe trước khi rời bến, có xe tưới nước hằng ngày ở các đoạn đường khu vực dân cư có xe đi qua. Ngoài ra, tất cả các xe chở cát đều được yêu cầu phải để thùng nguyên bản, không được cơi nới”.
Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho biết thêm, đơn vị sẽ đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, thường xuyên tuần tra, giám sát; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động khoáng sản, đất đai, môi trường (nếu có).“Việc xử lý vi phạm sẽ tùy thuộc vào hành vi, tính chất, mức độ sai phạm có thể phạt tiền, buộc khắc phục lại hiện trạng như ban đầu, tịch thu tang vật, đình chỉ giấy phép có thời hạn đến thu hồi giấy phép,…”, ông Tốt nhấn mạnh.