Chủ tịch Quốc hội: Sau Pháp lệnh, sẽ tiến tới xây dựng Luật Quản lý thị trường |
Trước thực tế sau 60 năm thành lập và hoạt động với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trải rộng trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng và địa bàn trong toàn quốc, song, các văn bản pháp quy điều chỉnh quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động… của lực lượng QLTT mới chỉ dừng lại ở cấp Sắc lệnh, Thông tư, khiến cho hiệu quả hoạt động của QLTT còn nhiều hạn chế.
Hơn nữa, chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác phối hợp giữa lực lượng này với các lực lượng hữu quan khác trong công tác quản lý thị trường, phòng chống hàng lậu, hàng gian, hàng giả.
Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh QLTT với mục tiêu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 12/2015), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự thảo. Sau phiên họp này, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến, đồng thời khảo sát tại một số địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Lào Cai và Lạng Sơn) để hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh QLTT.
Tại phiên họp hôm nay, qua thẩm định, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật cho thấy sự nhất trí cao với các nội dung của dự thảo, đặc biệt là các quy định về: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi kiểm tra; tổ chức của lực lượng; xây dựng lực lượng và công chức QLTT; hoạt động kiểm tra, thanh tra của lực lượng QLTT; quy định bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng QLTT và công tác phối hợp trong hoạt động kiểm tra của lực lượng QLTT và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động của lực lượng QLTT
Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, có một số ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành dự án Luật QLTT để bảo đảm tính pháp lý cao hơn, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Một số ý kiến khác đề nghị phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh QLTT cần bao quát thống nhất, toàn diện các vấn đề của hoạt động quản lý thị trường, tránh phân tán, chia cắt theo từng ngành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh là bước tiến quan trọng nâng cao địa vị pháp lý của lực lượng QLTT, góp phần kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này. |
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, nếu ban hành Luật QLTT hoặc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh sẽ xung đột với các luật, pháp lệnh như Luật thanh tra, Luật hải quan, Luật quản lý thuế, Luật công an nhân dân, Pháp lệnh bộ đội biên phòng, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam...
Do vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cần nhiều thời gian nghiên cứu một cách toàn diện tác động tới các luật khác và các cam kết của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời điểm hiện nay, việc ban hành Pháp QLTT nhằm khắc phục một bước những hạn chế, bất cập, tạo sự chuyển biến kịp thời trong tổ chức và hoạt động của lực lượng QLTT; đồng thời kiểm nghiệm các quy định mới trong thực tiễn, trên cơ sở đó tổng kết, tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật QLTT trong thời gian tới.
Một cách cởi mở, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, ông chưa “ưng” khi chỉ dừng lại ở cấp Pháp lệnh QLTT nhưng trong điều kiện hiện tại, việc ban hành Pháp lệnh là phù hợp. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ cánh đồng đến bàn ăn hoặc hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… còn rất phân tán, cắt khúc, phân chia trách nhiệm, quyền hạn cho nhiều bộ, ngành nên các bộ, ngành “rất bí” trong điều hành.
Do đó, “tiến tới chúng ta sẽ nâng tầm từ Pháp lệnh lên Luật QLTT” - Chủ tịch Quốc hội nói và phân tích, do phạm vi của lĩnh vực QLTT rất rộng, vai trò rất quan trọng trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, QLTT kiểm soát sản phẩm, hàng hóa từ sản xuất, lưu thông cũng như kiểm soát, ngăn chặn hàng gian, hàng giả trên thị trường.
Do đó, “phải xây dựng Luật QLTT với việc phân công trách nhiệm, quyền hạn cao nhất cho lực lượng QLTT. Làm sao QLTT phải như “đèn xanh, đèn đỏ” trong quản lý thì mới quản lý được thị trường” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo và các đơn vị liên quan tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đã nêu trong phiên họp 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và rà soát tổng thể một lần nữa trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh QLTT trong tháng 3/2016.
Bên hành lang phiên họp, chia sẻ với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh QLTT cho thấy sự quan tâm sâu sát của Quốc hội đối với lực lượng QLTT cũng như vai trò, trách nhiệm và hoạt động của lực lượng này.
Trước đó, theo Thứ trưởng Hải, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân cũng đã dành sự chỉ đạo, phối hợp, quan tâm thiết thực, hiệu quả trong quá trình Bộ Công Thương soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh QLTT.