Pù Xai Lai Leng - Nơi mùa xuân đến sớm
Vẫn còn khoảng 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng tại xã biên giới Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) không khí Tết đã ngập tràn. Nơi đây, những cành đào đá, mận tam hoa bắt đầu chớm nở. Theo quan sát dọc 2 bên đường, nhiều bà con đã chặt đào đem từ trên rẫy về dựng ngay vách nhà để cho khách dưới xuôi lên mua.
Xã biên giới Na Ngoi nằm dưới đỉnh Pù Xai Lai Leng là một trong những "thủ phủ" đào đá ở Nghệ An |
Xã Na Ngoi nằm dưới chân núi Pù Xai Lai Leng hùng vĩ được mệnh danh là nóc nhà của dãy Trường Sơn, nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Mông. Nơi đây cũng được xem là một trong những "thủ phủ" của đào đá, đào rừng miền Tây xứ Nghệ.
Dưới đỉnh Pù Xai Lai Leng là những cây đào có tuổi đời hàng mấy chục năm, thân cành phủ rêu mốc, nụ đào lớn, đỏ hồng, lâu tàn. Xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn có những gốc đào hàng trăm tuổi, trồng trên độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Nhờ những đặc điểm này mà đào núi được dân chơi dưới xuôi xem như một thú chơi 'độc' không thể thiếu để chơi Tết và làm quà biếu mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Bà con bày bán đào trước nhà và dọc hai bên trục đường chính để du khách có thể dễ dàng nhìn thấy |
Người sốt sắng nhất với vườn đào của người Mông vùng cao lại chính là những lái buôn. Họ tranh thủ những ngày áp Tết để kiếm thêm thu nhập. Trong tiết trời mưa rét, những chiếc xe tải vẫn vượt dốc vào Na Ngoi tìm đào Tết.
Anh Nguyễn Văn Nam ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) là người buôn đào Tết chia sẻ: Những năm trước, anh thường đánh xe tải đến các bản làng người Mông để gom đào. Nhưng năm nay anh Nam đã phải cọc tiền trước để không bị người khác giành mất những gốc đẹp. Cũng theo anh, buôn đào Tết cần phải biết “chớp thời cơ” và cũng phải “nghiên cứu kỹ thị trường” vì nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn trước Tết.
Theo những người dân nơi đây và cả những tiểu thương thì thời tiết diễn biến bất thường cộng với nhu cầu lớn, nên mấy năm nay những gốc đào đẹp khan hiếm, nhiều tiểu thương phải tìm sang mua tận nước bạn Lào.
Hoa đào ở vùng biên viễn này có đặc điểm ít cánh, nhưng nở đỏ thắm |
Những cành mận trắng muốt cũng nở bung trong những ngày giá rét |
Với cuộc sống tinh thần của người Mông, cây đào chiếm một vị trí quan trọng. Đào được bà con trồng rất nhiều ở trên rẫy và xung quanh nhà ở của mình. Nắm bắt được thị hiểu của người dưới xuôi nên bà con bắt đầu mở rộng diện tích, có nhiều gia đình đã xem trồng đào là một cách làm kinh tế, đem lại thu nhập cho gia đình vào dịp Tết. “Chúng tôi bắt đầu bán từ mấy ngày nay. Khách hàng chủ yếu là người xuôi lên đây để tìm chọn mua cành đào đẹp”, ông Lầu Giống Dìa (60 tuổi, bản Ca Trên) nói.
Giá đào năm nay tại Na Ngoi dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/cành |
Theo bà con trồng đào nơi đây, giá đào năm nay đắt hơn năm trước một chút, dao động từ 300 - 500 nghìn/cành. Riêng những cành đào mốc, đào đá, có nhiều nụ thì bán với giá cao hơn từ 1 - 4 triệu đồng/cành. Nguyên nhân giá đào tăng cao là do thời tiết ấm hơn so với năm trước nên đào nở sớm. Phần vì hàng năm một lượng lớn cành đào được chặt bán nên số cây đào cổ thụ dần khan hiếm.
Trên đường xuôi về, thấy không khí mua bán, trao đổi, đánh giá hoa đào khiến cho cái Tết dường như đến sớm hơn với vùng biên viễn này.