Phương án tăng học phí đại học có gì mới
Theo đó, lộ trình tăng học phí đại học lùi một năm so với Nghị định 81, giống như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu như nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng là 0,98-1,43 triệu đồng.
Mức trần học phí đại học với từng khối ngành như sau:
So với mức thu cũ, trần học phínăm học 2023-2024 ở nhóm ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0,02%), khối ngành Y - Dược tăng mạnh nhất (71,3%). Trần học phí các khối ngành khác tăng dao động 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%.
Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng/tháng.
Mức học phí với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đảm bảo chi thường xuyên áp dụng mức trần từ 1,2 đến 2,18 triệu đồng/tháng/sinh viên. Cụ thể:
Còn với những trường đại học đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng khoảng 2,5 lần mức trên, tức 2,4-5,5 triệu đồng/tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai.
Ở bậc phổ thông, Chính phủ quy định học phí năm học 2023 - 2024 giữ ổn định, bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 theo quy định của Hội đồng nhân dân các tỉnh. Mức trần học phí với các trường công lập năm học 2023-2024 dao động từ 30.000-650.000 đồng tùy cấp học và khu vực.
Nghị định cũng nêu rõ với những nơi đã tăng học phí so với năm học 2021 - 2022 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Đầu năm học 2023, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều cơ quan, địa phương và các trường đại học cho rằng cần tăng học phí để đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện ngân sách bị cắt giảm. Có trường "thỉnh cầu" được tăng học phí vì lo lắng có thể đứng trên bờ vực đóng cửa.
Tuy nhiên, nếu mức phí năm học mới được áp dụng theo Nghị định 81, biên độ tăng rất cao so với năm học trước. Cụ thể, học phí đại học công lập sẽ tăng bình quân 45,7%. Đặc biệt, học phí khối ngành Y - Dược tăng 93%, khối Nhân văn-Khoa học xã hội tăng 53%, gây khó khăn cho phụ huynh, người học. Vì thế, đa số ý kiến thống nhất việc tăng học phí có thể chậm lại một năm so với lộ trình của Nghị định 81.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: "Việc lùi lộ trình tăng học phí một năm, biên độ điều chỉnh học phí năm học 2023-2024 thấp hơn sẽ giảm áp lực cho người học".
Với bậc mầm non, phổ thông công lập, trần học phí với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 sẽ áp dụng mức của năm học 2021-2022 mà hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã thông qua.